|
Ùn tắc giao thông đã và đang là nỗi ám ảnh đối với người dân tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM. Theo nhiều chuyên gia cũng như các nhà quản lý, đường trên cao đang được coi là giải pháp hiệu quả nhất để khắc phục tình trạng này.
Lời giải là đường trên cao?
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội so sánh, diện tích đường của Hà Nội hiện nay chỉ chiếm khoảng 6,8% diện tích đô thị, trong khi tỷ lệ trung bình của thế giới là 15 - 25%. Với diện tích này, đường Hà Nội hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 40% lượng phương tiện đăng ký, đó là chưa tính đến phương tiện đăng ký mới vẫn gia tăng mỗi ngày, cũng chưa tính lượng phương tiện từ các nơi đổ về. Đó là nguyên nhân, hầu hết tuyến đường nội đô hiện nay đều quá tải. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông ngày càng hạn hẹp, công tác giải phóng mặt bằng để mở đường rất khó khăn. Chính vì vậy, hầu hết các chuyên gia cũng như các nhà quản lý đều cho rằng, phát triển mạng lưới đường trên cao để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông tại Hà Nội và các thành phố lớn khác được xem mà một giải pháp quan trọng.
Trên thực tế, việc phát triển đường trên cao xuất phát từ TP.HCM vào năm 2007, khi Thủ tướng phê duyệt "Quy hoạch mạng lưới giao thông TP.HCM". Theo đó, TP sẽ có 4 tuyến đường trên cao với tổng chiều dài hơn 80 km. Trong 4 tuyến này tuyến số 1 giữ vai trò xương sống góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông trục Bắc - Nam. Tuy nhiên, cũng giống như số phận của nhiều dự án hạ tầng giao thông đô thị khác, sau hơn 4 năm được phê duyệt, đến nay, chưa có dự án đường trên cao nào ở TP.HCM được thực hiện bởi nhiều vấn đề. Nhưng theo ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, trong bối cảnh giao thông ngày càng rối ren, việc xây dựng các tuyến đường trên cao vẫn được xem là giải pháp cần thiết, cấp bách để giải bài toán “thiếu diện tích đường” trầm trọng ở TP.HCM.
|
Việc xây dựng đường trên cao thế nào cũng gặp khó khăn về cảnh quan, về tâm lý xã hội, về công nghệ, về chống khói bụi, tiếng ồn nhưng đó là những bài toán ta phải giải để vượt qua chứ không thể cứ nghe khó là chùn bước.
PGS-TS Trần Trọng Hanh |
|
|
Đồng quan điểm này, PGS-TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc, cho rằng hạ tầng và không gian công cộng của Hà Nội đang rất yếu. Dù có xây mạng lưới dày đặc hơn, có “đủ đường” trên mặt đất nhưng với tốc độ phát triển phương tiện hiện nay thì cũng vẫn tắc. Do đó việc khai thác công trình ngầm, nổi là việc rất cần, nếu không muốn nói là đã muộn với Hà Nội. Mục đích xây dựng đường trên cao là để đưa tất cả phương tiện ngoại tỉnh không tham gia vào giao thông nội đô. “Việc xây dựng đường trên cao thế nào cũng gặp khó khăn về cảnh quan, về tâm lý xã hội, về công nghệ, về chống khói bụi, tiếng ồn nhưng đó là những bài toán ta phải giải để vượt qua chứ không thể cứ nghe khó là chùn bước”, ông Hanh nói.
Giải pháp duy nhất?
TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN khẳng định, Hà Nội dù có mở rộng nữa nhưng khu vực nội đô hiện nay nhất thiết phải có tuyến đường trên cao để giảm áp lực giao thông. Theo ông Liêm, hiện trạng của giao thông Hà Nội đang yếu kém cả về hạ tầng và ý thức của người dân tham gia giao thông. Là thủ đô nhưng giao thông công cộng ở Hà Nội mới đảm bảo dưới 20% nhu cầu đi lại, còn lại trên 80% là do phương tiện cá nhân và người đi bộ. Bởi vậy, phương án làm đường trên cao là hợp lý và cũng không còn cách nào khác. Một thực tế không thể phủ nhận là, việc mở rộng đường qua các khu vực nội thị hiện nay không khả thi bởi dân cư đã hình thành, đông đúc nên công tác giải phóng sẽ rất khó khăn và tốn kém. Bên cạnh đó, các phương án làm đường ngầm dưới mặt đất cũng khó thực hiện bởi nền địa chất khu vực Hà Nội yếu, dễ ngấm nước.
Đồng quan điểm này, PGS-TS Lưu Đức Hải - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) chia sẻ, từ cách đây khoảng hai chục năm, với tư cách là nhà khoa học về quy hoạch đô thị, ông và các đồng sự đã có những đề xuất về giải pháp đường trên cao trong quy hoạch xây dựng ở Hà Nội. Tuy nhiên, khi đó có nhiều ý kiến cho rằng làm đường trên cao ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan của công trình. “Nếu như vẫn còn giải pháp tốt hơn, thì không nên làm đường trên cao để ảnh hưởng đến cảnh quan của công trình. Nhưng cho đến nay, chưa ai có thể tìm ra giải pháp nào tốt hơn cả. Hơn nữa, không thể có một cảnh quan đẹp trong một đô thị khi mà chỗ nào cũng xảy ra ùn tắc giao thông. Chính vì vậy, tôi rất ủng hộ ý kiến làm đường trên cao”.
TS Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông (Bộ GTVT) cho rằng, đáng lẽ các tuyến này phải xây dựng từ lâu. Nhiều nước châu Á đã áp dụng rất hiệu quả như Bangkok (Thái Lan), Tokyo (Nhật Bản), Hồng Kông... Riêng mạng lưới đường cao tốc trên cao ở Tokyo đã dài khoảng 120 km. Với tình trạng giao thông đang ngày càng trở thành cơn “ác mộng” tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố khác ở VN hiện nay, để tìm một giải pháp “mười phân vẹn mười” là điều không tưởng. Trong khi đó, ý tưởng - kế hoạch phát triển đường trên cao rõ ràng là một sự cần thiết và khả thi, thậm chí là giải pháp hợp lý và hữu hiệu nhất trong thời điểm hiện tại.
Khởi động đường trên cao
Vấn đề còn lại là huy động các nguồn lực từ xã hội, từ doanh nghiệp để xây dựng và phát triển đường trên cao. Tại Hà Nội, đề xuất đầu tiên theo hình thức BT xây dựng tuyến đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở của Công ty CP Vincom là tín hiệu khả quan để khởi động cho việc kêu gọi đầu tư vào hệ thống đường trên cao tại Hà Nội nói riêng và các thành phố khác tại VN nói chung. Hiện Bộ Xây dựng, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đều có tờ trình lên Chính phủ, nhất trí với đề xuất của Công ty CP Vincom về việc xây dựng một tuyến đường trên cao đầu tiên tại Hà Nội.
Theo các chuyên gia giao thông, một điều không thể bác bỏ được là đường trên cao rẻ hơn dưới ngầm. Làm đường trên cao không tốn nhiều kinh phí cho giải phóng mặt bằng (giảm 80% so với đường bộ), đồng thời sẽ cung cấp một lượng đường nhiều hơn, rộng rãi hơn để tăng năng lực của cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu giao thông, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông và tiết kiệm được nhiều nguồn lực cho xã hội. |
Theo TNO
|