Tình trạng UTGT ở cảng ra vào nhất là cảng Cát Lái, Q.2, TPHCM đang gây bức xúc cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa container. Điều này tái diễn thường xuyên ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển cũng như thiệt hại kinh tế của các doanh nghiệp...
Chen nhau ra vào cảng
Liên tỉnh lộ 25B (Q.2 - TP.HCM) là tuyến đường nối Quốc lộ 51 (Đồng Nai) với Xa lộ Hà Nội, đi qua nhiều khu vực đông dân. Đây còn là tuyến độc đạo đi vào cảng Cát Lái, trung bình mỗi ngày có từ 7.000 đến 10.000 lượt xe container ra vào, với lượng hàng container thông qua chiếm hơn 70% tổng số hàng container qua các cảng của Việt Nam. Có vai trò quan trọng như vậy, nhưng nhiều năm nay đoạn đường trên luôn bị ách tắc giao thông ở nơi ra vào cảng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Theo ghi nhận của chúng tôi, bề rộng mặt đường của Liên tỉnh lộ 25B không đồng nhất. Đoạn từ bến phà Cát Lái đến nút giao cầu vượt Phú Mỹ và từ cầu Giồng Ông Tố đến Xa lộ Hà Nội, đường được mở khá rộng và thoáng, chiều lưu thông được phân chia rạch ròi. Đoạn còn lại rất hẹp chỉ vừa đủ cho 2 xe container xuôi ngược, không có dải phân cách, không có lề đường và có nhiều đường nhánh đâm ngang. Đường đã hẹp lại bị ảnh hưởng bởi những dự án đang thi công trong khu vực trên. Điển hình nhất xảy ra trong ngày 11/4 vừa qua, là vụ việc hàng trăm xe container, xe tải phải nằm chết dí trong nhiều giờ, tình trạng ùn tắc càng trở nên trầm trọng hơn, khi nhiều tài xế xe container, xe tải không giữ được bình tĩnh đã cố tình đi vào làn đường của hướng ngược lại, thậm chí một số xe còn vội vã quay đầu khiến giao thông càng trở nên hỗn loạn.
Trước việc ách tắc giao thông ở đường ra vào cảng, đại diện các cảng đề nghị, Sở GTVT TP nên mở rộng làn đường cho hợp lý và đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ những dự án đang thi công làm choán hết đường đi. Ngoài ra khi kiểm tra với những xe quá tải, Sở cần có cách thức để không ảnh hưởng đến việc lưu thông.
Vận chuyển hàng hóa sụt giảm
Theo báo cáo của Hiệp hội Cảng biển (VPA) tổng lượng hàng hóa XNK thông qua các cảng biển của TP.HCM chỉ còn đạt khoảng 60 triệu tấn. Để đạt sản lượng bằng năm ngoái là 70 triệu tấn, các cảng biển tại TP.HCM sẽ phải tăng công suất làm việc lên gấp đôi. Tuy nhiên, với thời điểm hiện tại các DN vận tải hàng hóa chủ yếu làm ăn cầm cự chờ qua giai đoạn khó khăn. Thống kê cho thấy số lượng hàng hóa qua các cảng biển của thành phố giảm đáng kể và một nửa số hàng hóa sẽ bị dịch chuyển đi nơi khác nếu không có biện pháp giải quyết tốt vấn đề giao thông vận chuyển.
Đại diện của Sở GTVT TP cũng cho rằng, nếu thành phố không giải quyết tốt vấn đề về giao thông, một nửa số hàng hóa qua các cảng biển của thành phố sẽ dịch chuyển đi nơi khác.
Không có đường sắt và hầu như đường thủy nội địa nên không kết nối được với cảng, do vậy việc vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng biển chủ yếu trông chờ vào vận tải đường bộ bằng ôtô. Song theo ông Đỗ Xuân Phú, chủ DN vận tải Minh Liên và nhiều DN vận tải hàng hóa phản ánh, tình trạng UTGT ở nơi ra vào cảng Cát Lái làm các DN luôn rơi vào tình cảnh bị bạn hàng phàn nàn vì giao nhận hàng không đúng thời gian quy định trong hợp đồng, hơn nữa những xe container khi kẹt đường còn bị tiêu hao nhiên liệu khá nhiều. Năng lực vận chuyển hàng hóa cũng giảm hẳn, thay vì một ngày vận chuyển được từ 13-14 container nhưng vì ùn tắc giảm chỉ còn 5-7 container.
Ngoài tình trạng ùn ứ giao thông thường trực trên Liên tỉnh lộ 25B, xa lộ Hà Nội... xe của doanh nghiệp vận tải hàng hóa cho cảng chỉ được chạy vào ban đêm, điều đó có nghĩa là chi phí cho một lần vận chuyển hàng cũng tăng lên. Cùng với thực trạng luồng tàu vào cảng hẹp, cạn, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa như “ngồi trên đống lửa”.
Theo GTVT