Một câu hỏi lớn đang được đặt ra là khi đã đóng phí sử dụng đường bộ ở mức cao, liệu người dân có được hưởng chất lượng giao thông tương ứng?
Đóng 3 lần “phí đường bộ”
Bộ GTVT đang kiến nghị điều chỉnh tăng mức thu phí đường bộ quy định tại Thông tư 90. Hiện tại, người dân đang phải nộp phí khi lưu thông trên đường quốc lộ từ 143 đồng - 286 đồng/km/xe con tiêu chuẩn. Bộ GTVT đề xuất tăng mức giá thu phí trên quốc lộ qua các trạm thu phí lên 750 đồng/km/xe con tiêu chuẩn, tức gấp 3 - 4 lần hiện nay, để “tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ hiệu quả hơn”.
Với phí bảo trì đường bộ (BTĐB), theo lý giải của ngành giao thông, đây sẽ là loại phí sử dụng cho mục đích duy tu, bảo dưỡng đường. Theo đó, mức phí sử dụng thu qua đầu phương tiện ô tô sẽ được phân chia 65% cho quỹ trung ương nhằm bảo dưỡng các tuyến quốc lộ do trung ương quản lý; và 35% cho quỹ địa phương cho các tuyến đường thuộc địa phương.
Như vậy, với riêng quốc lộ, người dân đã phải trả hai lần phí, một cho mục đích bảo dưỡng, một cho mục đích đầu tư, xây mới. Tuy nhiên, Bộ GTVT lại đề xuất tiếp phí lưu hành phương tiện cá nhân, ngoài mục đích hạn chế phương tiện cá nhân còn là tăng nguồn thu cho việc đầu tư, xây mới hạ tầng giao thông.
Theo quy định của pháp lệnh Phí, phí là khoản tiền cá nhân, tổ chức phải trả khi một cá nhân, tổ chức khác cung cấp dịch vụ. Trước đó, trong một cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng việc thu thêm phí lưu hành bên cạnh phí đường bộ (cũng thu qua đầu phương tiện) sẽ trở thành phí chồng phí. Trao đổi với Thanh Niên chiều 16.3, bà Mai cho biết sau khi nhận được ý kiến đóng góp của các bộ, Bộ GTVT đã có sửa đổi và đang tiến hành xây dựng đề án phí lưu hành phương tiện. Nhưng theo một chuyên gia, trong đề án này, rất có thể phí lưu hành sẽ được đổi tên để không vi phạm quy định của pháp lệnh Phí, hoặc Bộ sẽ đề xuất bổ sung loại phí này vào danh mục pháp lệnh Phí để hợp thức hóa. Và như vậy, về bản chất để sử dụng đường bộ, người dân sẽ phải đóng phí chồng phí tới 3 loại phí “đường bộ” với mức thu tăng dần.
Theo số liệu Bộ GTVT dẫn ra, mức phí sử dụng đường bộ của VN hiện chỉ bằng 1/10 so với Trung Quốc, bằng khoảng 1/6 so với Malaysia... Chỉ riêng tăng phí quốc lộ theo đề xuất của Bộ GTVT (chưa tính phí bảo trì đường bộ sắp đóng và phí lưu hành đang đề xuất), mức phí của VN sẽ bằng khoảng 1/2 Trung Quốc hiện nay và bằng 3/4 so với mức phí của Malaysia. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của VN chỉ bằng 1/4 so với Malaysia và xấp xỉ 1/5 so với Trung Quốc, và chất lượng hạ tầng giao thông cũng kém hơn nhiều so với các nước này.
Liệu người dân có được hưởng chất lượng giao thông tương ứng khi phải đóng phí với mức rất cao? Dù Bộ GTVT đã có đề án về đổi mới công tác bảo trì đường bộ trong phạm vi cả nước, nhưng cũng cần nhìn lại thực tế là đoạn mở rộng quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh đã triển khai từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa được là bao, hay nhiều công trình như cầu Thăng Long, mặt cao tốc Trung Lương vừa xây xong đã có vấn đề.
Nên ở mức “chịu đựng được”
Ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính - cho biết chưa nhận được đề án thu phí bảo trì đường bộ của Bộ GTVT nên Bộ Tài chính vẫn chưa có tính toán cụ thể các mức phí.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, suy cho cùng phí không phải thu của doanh nghiệp vận tải mà của người dân, vì giá cước tăng thì hành khách, hàng hóa sẽ phải gánh. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, mức thu thế nào cho phù hợp cần phải cân nhắc kỹ càng, để người dân và DN chịu đựng được.
Ông Lương Hoàng Trung, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, lại cho rằng việc thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện giống như việc đánh “thuế” cố định, dù không sử dụng hay sử dụng ít cũng phải trả tiền. Phí đường bộ “là loại phí trả tiền để sử dụng dịch vụ, vì thế, phải tính dựa trên việc tham gia giao thông nhiều hay ít của phương tiện, chứ không phải là phí đánh vào một tài sản cố định”.
Cũng bày tỏ băn khoăn về bất cập lưu thông ít cũng đóng phí bằng lưu thông nhiều, ông Hùng cho rằng thông tư hướng dẫn quy định mức phí Quỹ BTĐB của Bộ GTVT và Bộ Tài chính cần tính toán điều khoản điều chỉnh việc này để đảm bảo công bằng cho người dân. Mặt khác, cần phải có những cam kết từ phía Bộ GTVT về chất lượng giao thông thời gian tới tốt hơn, thuận tiện hơn, để công bằng cho người dân khi phải gánh thêm phí.
Theo Thanh Niên Online