Với quy mô, tổng mức đầu tư lớn và thời gian triển khai rất ngắn, chỉ đến cuối năm 2016, nên việc đầu tư mở rộng toàn tuyến QL1 nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận cả nước. Chính vì vậy, những phương án và kế hoạch đầu tư tuyến quốc lộ huyết mạch quốc gia này cần được tính toán kỹ lưỡng.
Đầu tư mở rộng là rất cần thiết
Theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ, quy mô toàn tuyến QL1 từ Hà Nội đến Cần Thơ gồm 4 làn cho xe cơ giới, 2 làn cho xe máy và có dải phân cách cứng ở giữa. Riêng các đoạn đã mở rộng, một số đoạn qua đô thị đã có quy mô 4 làn cho xe cơ giới hoặc tuyến tránh sẽ xem xét ở bước sau. Việc phân kỳ đầu tư chia thành các đoạn, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý theo nhu cầu cấp thiết và khả năng huy động vốn để lập dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) có sự tham gia vốn của Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý giao Bộ trưởng Bộ GTVT áp dụng cơ chế chỉ định thầu nhà đầu tư, nhà thầu theo đơn giá quy định của Nhà nước, có tiết kiệm 5% giá dự toán.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, nguyên Chánh VP Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm ngành GTVT cho biết, việc mở rộng QL1 thành 4 làn ôtô, 2 làn xe máy từ Hà Nội đến Cần Thơ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết.
Hệ thống đường cao tốc nhằm phục vụ các phương tiện một các nhanh nhất gắn kết các khu đô thị, khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm. Bên cạnh đường cao tốc luôn có các trục đường bộ quốc gia song hành. “QL1A có chức năng liên kết các đô thị lớn nên đương nhiên đóng vai trò trục đường song hành của đường cao tốc Bắc - Nam, đòi hỏi phải có mặt cắt ngang theo đề án mở rộng như Chính phủ yêu cầu.
Việc hình thành dải phân cách giữa hai chiều có ý nghĩa quan trọng giảm thiểu tai nạn giao thông. Việc hình thành hai làn xe máy và xe thô sơ hai bên có tác dụng trong việc tách các dòng xe 4 bánh và 2 bánh pha trộn hỗn hợp như hiện nay.
Vì vậy, dự án hoàn thành nhất định sẽ có tác dụng giảm thiểu rõ rệt tai nạn giao thông. Cách tư duy này không chỉ đúng với trục Bắc - Nam mà còn cần áp dụng đối với các trục nối đô thị lớn hiện nay để xây dựng các quốc lộ song hành hoàn chỉnh cùng với trục đường cao tốc”- Tiến sỹ Long khẳng định.
Nên tập trung nguồn lực
Thực tế, việc mở rộng từng đoạn QL1 thành 4 làn xe đã được đặt ra và thực hiện khoảng 10 năm nay. Khi lập dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng cũng đồng thời mở rộng QL1 đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương và tiếp đó là Trung Lương - Mỹ Thuận rồi Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Ở khu vực phía Bắc, nhiều đoạn được mở rộng như Hà Nội - Bắc Ninh, Hà Nội - Đồng Văn - Phủ Lý. Cách đây gần 2 năm, Thủ tướng cũng đã giao Bộ GTVT thực hiện dự án mở rộng QL1A từ Hà Nội đến Vinh bằng nguồn vốn bán quyền thu phí đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Theo đề án mở rộng QL1 của Bộ GTVT, hiện có 368 km QL1 đã có dự án và nguồn vốn để nâng cấp, mở rộng. Như vậy, bài toán đặt ra lúc này là tiếp tục nâng quy mô mở rộng cho toàn tuyến, tức là thêm khoảng 1.440 km nữa.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, triển khai dự án lớn như mở rộng QL1 trong 4 năm là rất khó vì không chỉ có tính chất phức tạp của dự án mà còn nhiều thủ tục, công việc chuẩn bị phải làm. Hơn nữa, quy mô dự án, kinh phí đòi hỏi lớn, vì vậy cần có đủ luận cứ khoa học đảm bảo dự án khả thi.
Trước hết, cần thực hiện thật tốt Đề án mở rộng QL1 từ Hà Nội đến Cần Thơ theo tiêu chuẩn đường 4 làn xe ôtô và 2 làn xe máy ở mức kỹ lưỡng hơn, xây dựng những phương án kế hoạch thời gian thực hiện kèm theo các điều kiện đảm bảo cho phương án thành công. Trên cơ sở phương án được duyệt sẽ phải lập các dự án cho từng đoạn theo thứ tự ưu tiên được phê duyệt.
Một vấn đề nữa, một số chuyên gia cũng cho rằng, trước đây, các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 thường triển khai manh mún và giao cho rất nhiều chủ đầu tư cùng triển khai nên thời gian kéo dài. Chẳng hạn như đoạn Thanh Hóa- Hà Tĩnh chỉ có vài trăm km nhưng có tới gần chục chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư cùng tham gia.
Do vậy, việc đầu tư mở rộng QL1 sau này cần tập trung nguồn lực vào một hoặc một vài chủ đầu tư, đơn vị quản lý để tránh phân tán nguồn vốn, dễ dàng hơn trong việc điều phối tổng tiến độ, kế hoạch triển khai, quản lý chất lượng, tạo hiệu quả trong đầu tư và hoàn thành đúng thời gian theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo GTVT