Chiều
28-2, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM đã ký văn bản kiến nghị gửi
Thủ tướng Chính phủ và các bộ để đề nghị xem xét việc thu phí quá
cao trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương
Xung quanh vấn đề này, PV Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông
Lương Hoàng Trung - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM:
* Thưa ông, vì sao có kiến nghị này?
- Đầu tháng 1-2012, hầu hết doanh nghiệp vận tải đều ký
hợp đồng với các chủ hàng về giá cước vận tải hàng hóa trong năm
2012 và trong hợp đồng có điều khoản mở, nghĩa là sẽ điều chỉnh
giá cước vận tải nếu có phát sinh trạm thu phí tăng phí. Thế nhưng,
việc phát sinh trạm thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương lại đưa ra
mức phí quá cao nên nhiều chủ hàng không chấp nhận tăng giá cước vì
họ cho rằng xe có thể đi quốc lộ 1A.
Trong khi đó, một số chủ hàng chấp nhận tăng giá cước
với điều kiện họ chỉ chịu 50% mức phí và doanh nghiệp vận tải chịu
50% mức phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Thế nhưng với mức thu
phí đường cao tốc quá cao và bất hợp lý nên các doanh nghiệp đưa xe
vào chạy trên đường cao tốc với giá cước cũ chắc chắn sẽ lỗ. Điều
này cho thấy mức phí đường cao tốc chi phối các doanh nghiệp vận tải
và doanh nghiệp vận tải lại bị chi phối bởi các chủ hàng. Do đó,
Hiệp hội Vận tải hàng hóa kiến nghị các cấp thẩm quyền xem xét
tính lại mức phí của đường cao tốc này.
Đường cao tốc vẫn vắng xe
Bước sang ngày thứ tư thu phí đường cao tốc
TP.HCM - Trung Lương, số lượng phương tiện lưu thông trên đường này vẫn vắng
vẻ như những ngày trước. Tối 28-2, một cán bộ có trách nhiệm của Công ty 715
(đơn vị thu phí) nói thống kê chưa đầy đủ thì chỉ có khoảng 17.000-18.000 ô
tô qua trạm thu phí trong ngày, tương đương hai ngày trước đó. Điều này có
nghĩa là có khoảng 50% ô tô đã né đường cao tốc vì lý do phí quá cao.
Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, phó phòng CSGT
đường bộ-đường sắt Công an Tiền giang, cho biết mật độ phương tiện lưu thông
trên QL1A qua địa bàn tỉnh Tiền Giang trong ngày đã tăng thấy rõ, nhưng không
xảy ra ùn ứ. Lực lượng CSGT vẫn thường xuyên tuần tra, túc trực ở các điểm
nóng để kịp thời điều tiết giao thông, chống ùn tắc.
V.TR.
|
* Theo
ông, mức phí chưa hợp lý chỗ nào?
- Hiện nay các doanh nghiệp vận tải từ TP.HCM đi các tỉnh
đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại sử dụng xe vận tải có trọng
tải trên 10 tấn, xe đầu kéo xơmi rơmooc hoặc xe container đi qua trạm thu
phí phải trả mức phí 640.000 đồng/chuyến đi và về. Trong khi đó, lợi
nhuận của một chuyến hàng khoảng 300.000-400.000 đồng.
Biểu giá thu phí đường cao tốc có nhiều điểm chưa hợp
lý. Cụ thể là loại xe khách 12 chỗ bị thu đồng mức phí 1.500
đồng/km như xe 30 chỗ (nhóm 2). Còn nhóm xe tải bị thu phí “quá rát”
như xe tải chở 17 tấn là 4.000 đồng/km (nhóm 4) nhưng nếu chỉ chở thêm
1 tấn hàng nữa thì phải trả phí gấp đôi lên đến 8.000 đồng/km (nhóm
5). Hiện nay giá cước chở container 20 feet và 40 feet không chênh lệch
nhau nhiều vì chủ hàng sử dụng container 20 feet và 40 feet là căn cứ
vào đặc thù loại hàng hóa nhỏ gọn hoặc cồng kềnh. Trong khi đó mức
thu phí giữa hai loại xe container này quá chênh lệch, trong đó xe 40
feet phải đóng phí gần gấp đôi.
* Kiến nghị cụ thể của các ông như thế nào?
- Chúng tôi đề nghị cấp thẩm quyền nên gom hai nhóm 4 và 5
về một mức thu phí chung là 4.000 đồng/km. Nghĩa là cần giảm 50% mức
phí hiện nay đối với phương tiện vận tải thương mại, vì giá cước
vận chuyển hàng hóa tăng sẽ tác động trực tiếp đến giá cả hàng
hóa tăng.
Tôi cho rằng cơ quan chức năng cần xem xét lại dự án đường
cao tốc đã được xây dựng từ nguồn vốn nào, giá thành ra sao, dự án
này đã được kiểm toán chưa và lý do đưa ra mức phí quá cao, thời gian
thu phí kéo dài 25 năm. Từ cơ sở này, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông
vận tải, các địa phương liên quan và Hiệp hội Vận tải hàng hóa họp
bàn xem xét thống nhất biểu phí và thời gian thu phí đường cao tốc
sao cho phù hợp nhằm không ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế.
* Tại sao hiệp hội không đồng tình đặt trạm thu phí trên
quốc lộ 1A?
- Vì việc lập trạm ở đây là trái với quy định của pháp
luật. Trong pháp lệnh về phí và lệ phí được Ủy ban Thường vụ Quốc
hội ban hành tháng 8-2001 có quy định: “Phí là khoản tiền mà tổ
chức, cá nhân phải trả khi một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch
vụ được quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo pháp lệnh này”.
Trên cơ sở đó, phương tiện vận tải không sử dụng đường cao tốc TP.HCM
- Trung Lương sẽ không có nghĩa vụ trả phí để hoàn vốn cho tuyến
đường này. Vì vậy, việc đặt thêm trạm thu phí trên quốc lộ 1A nhằm
điều tiết giao thông và hỗ trợ nguồn thu cho đường cao tốc là không
đúng với quy định tại pháp lệnh này.
NGỌC ẨN
Ý
kiến của các doanh nghiệp
* Ông
Trần Văn Sơn (phó giám đốc
Công ty TNHH vận tải Hưng Lộc Thịnh - Q.Tân Phú):
Do mức phí đường
cao tốc TP.HCM - Trung Lương quá cao nên chúng tôi chuyển xe sang chạy
trên quốc lộ 1A. Đi quốc lộ 1A dài hơn 11km so với đường cao tốc
nhưng hiệu quả hơn vì xe tải chỉ thêm khoảng 6 lít dầu, tương đương
120.000 đồng, thấp hơn so với nộp phí đường cao tốc 320.000 đồng/lượt
và như vậy doanh nghiệp giảm chi phí 200.000 đồng. Do mức phí đường
cao tốc còn bất hợp lý nên nhiều doanh nghiệp vận tải không chọn đi
đường cao tốc.
* Ông
Đỗ Xuân Phú (giám đốc Công
ty cổ phần dịch vụ thương mại vận tải Minh Liên):
Sau ba ngày thu phí,
lượng xe đi đường cao tốc đang giảm dần cho thấy mức phí quá cao,
dù thời gian hành trình đường cao tốc ngắn hơn quốc lộ 1A. Nếu
tình hình trên tiếp diễn sẽ dẫn đến hệ quả là kéo dài thời gian
thu phí đường cao tốc. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm
điều chỉnh mức phí cho xe tải đi đường cao tốc 80.000-100.000
đồng/lượt là phù hợp để các doanh nghiệp chấp nhận đi vào đường
cao tốc.
* Ông Nguyễn
Văn Tú (giám đốc Công ty TNHH giao nhận vận tải Tú Hương):
Mức phí đường cao
tốc đã gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vận tải đang gặp khó
khăn trong cạnh tranh vận chuyển hàng hóa. Hầu hết doanh nghiệp đã
ký hợp đồng với các chủ hàng về giá cước vận tải hàng hóa. Nay
các doanh nghiệp và chủ hàng phải mất nhiều thời gian họp thương
lượng lại về giá cả, bởi nếu duy trì giá cước cũ thì doanh nghiệp
vận tải không còn lãi. Tôi đồng tình với kiến nghị của Hiệp hội
Vận tải hàng hóa TP cần giảm 50% mức thu phí nhóm 5 đối với xe
tải từ 18 tấn trở lên và xe chở container 40 feet.
N.ẨN
ghi
|
Theo TTO