|
Hình thức đầu tư BOT, BT, BTO được xem như “chiếc đũa thần” đối với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm nhưng hiện đang vấp phải nhiều khó khăn do TPHCM khan hiếm quỹ đất sạch và không còn chỗ đặt trạm thu phí
Tại TPHCM, trong khi nguồn vốn ODA dần cạn, nguồn vốn ngân sách cũng hạn hẹp, không thể đảm đương những dự án hạ tầng giao thông lớn và dài hơi, hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh) trở thành hướng đi triển vọng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều “điểm tối” cần sớm được giải quyết.
Số dự án ngày càng nhiều
Từ trước đến nay, nguồn vốn xây dựng hạ tầng giao thông TPHCM được sử dụng từ 3 nguồn chính: vốn ngân sách, vốn ODA và vốn của các doanh nghiệp (đầu tư bằng hình thức BOT, BT, BTO). Nguồn vốn ODA có nhiều ưu đãi về lãi suất, thời gian vay vốn, trả lãi nhưng nguồn vốn này đang bị co hẹp do thu nhập bình quân đầu người của nước ta dần vượt ngưỡng các nước được ưu đãi.
Nguồn vốn ngân sách TP phần lớn dùng để trang trải cho việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, trả nợ các khoản vay vốn ODA; phần còn lại khó đáp ứng nổi nhu cầu xây dựng. Vì vậy, nguồn vốn của các doanh nghiệp đã hỗ trợ rất nhiều trong việc đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là những dự án có quy mô từ trung bình đến rất lớn và phức tạp.
Tính đến thời điểm này, tổng cộng có 35 dự án đã, đang và dự kiến triển khai với tổng vốn khoảng hơn 207.000 tỉ đồng, trong đó có 8 dự án đang được sử dụng.
Thống kê cho thấy trong những năm 2006, 2007, mỗi năm, TP chỉ khởi công được một dự án thì đến năm 2008, 2009, 2010, 2011 đã có 2 dự án được khởi công mỗi năm, dự kiến trong năm 2012 là 4 dự án. Theo Sở GTVT, với sự ổn định và tăng dần số lượng dự án qua các năm, đây là một kênh đầu tư khá ổn định.
Có thể thấy hiện nay, TP đang sở hữu nhiều công trình xây dựng bằng hình thức BOT, BT như cầu Phú Mỹ, mở rộng xa lộ Hà Nội, Liên Tỉnh lộ 25B, đường Vành đai Đông, cầu đường Bình Triệu 2, cầu Rạch Chiếc, đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, sắp tới là một loạt dự án như cầu Sài Gòn 2, cầu đường Bình Tiên, đường song hành Hà Huy Giáp, một số đoạn tuyến trên Vành đai 2, bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, đường trên cao số 1, 2, 3, 4…
Nỗi lo bị nhà đầu tư quay lưng
Với con số ấn tượng trên, hạ tầng giao thông TP là mảnh đất màu mỡ để doanh nghiệp đầu tư bằng hình thức BOT, BT, BTO. Tuy nhiên, theo nhận định của Sở GTVT, hiện nay hình thức đầu tư BOT đang bị bão hòa và khó thực hiện tiếp vì không thể đặt quá nhiều trạm thu phí trên địa bàn TP.
Hiện nay, các cửa ngõ và một số tuyến đường vành đai của TP bị trạm thu phí bao vây tứ bề, có thể kể đến như xa lộ Hà Nội, đường Kinh Dương Vương, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1A, cầu Phú Mỹ, đường Nguyễn Văn Linh.
Bên cạnh đó, khung giá thu phí theo quy định không còn phù hợp với thực tế làm cho nhà đầu tư khó hoàn vốn hoặc lãi quá ít khiến hình thức BOT không còn hấp dẫn. Điều này có thể thấy rõ qua các dự án bãi đậu xe ngầm, một số chủ đầu tư tỏ ra ngao ngán khi bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để xây bãi giữ xe nhưng hằng ngày chỉ lượm bạc cắc vì giá giữ xe theo quy định quá thấp (chỉ 2.000 đồng/xe máy). Lãi suất vay vốn quá cao cũng khiến không ít nhà đầu tư chới với khi phải cật lực xoay xở trả nợ ngân hàng.
Khi BOT bị “mất ngôi”, hình thức BT trở thành lựa chọn hàng đầu. Hình thức mà TP thường sử dụng là đổi đất lấy hạ tầng, tức TP sẽ dùng một khu đất “sạch” để đổi lấy dự án hạ tầng mà nhà đầu tư đã xây dựng, có thể kể đến như dự án đường nối cầu Phú Mỹ, đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, cầu đường Bình Tiên, đường song hành Hà Huy Giáp…
Cũng không ít dự án kết hợp cả BOT lẫn BT để tăng tính khả thi, như đoạn từ ngã ba An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh (Vành đai 2), các tuyến đường trên cao… Tuy nhiên, theo Sở GTVT, hiện nay việc trả bằng đất cũng gặp nhiều khó khăn do TP không có quỹ đất sạch dự trữ. Chưa kể việc ngân sách TP không thể trả nổi cho nhà đầu tư đối với những dự án BT trả bằng tiền.
Ngoài những khó khăn trên, việc thay đổi liên tục các quy định pháp luật có liên quan (6 nghị định) và việc chậm hướng dẫn thực hiện các nghị định về việc đầu tư theo hình thức BOT, BT (từ 1 - 2 năm mới ban hành thông tư hướng dẫn) cũng khiến nhà đầu tư lẫn cơ quan Nhà nước bị động, lúng túng.
Theo nhiều chuyên gia, nếu TP không giải quyết tốt những trở ngại trên, việc nhà đầu tư quay lưng với hạ tầng giao thông là chuyện một sớm một chiều.
Hàng loạt dự án khát vốn
Theo Sở GTVT TPHCM, từ năm 2012 đến 2020, dự kiến TP cần khoảng 105.536 tỉ đồng để xây dựng hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT, BT, BTO…, trung bình mỗi năm cần 11.726 tỉ đồng.
Trong giai đoạn 2012 - 2015 sẽ có 21 dự án được khởi công với tổng vốn khoảng 30.589 tỉ đồng, gồm bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng,
Công viên Tao Đàn; cầu Sài Gòn 2, cầu Thủ Thiêm 2, đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào KCN Phú Hữu, đường song hành Hà Huy Giáp, cầu Rạch Chiếc trên Vành đai Đông, đường nối từ cầu Rạch Chiếc đến nút giao Bình Thái, đường nối nút giao Bình Thái - ngã ba Linh Đông, ngã ba Linh Đông - Quốc lộ 1A, cầu Vàm Thuật và đường Vườn Lài, 4 tuyến đường trên cao, xe điện mặt đất số 1. |
Theo NLĐ
|