|
Ông Nguyễn Văn Hội, Vụ Phó Vụ Thương mại miền núi và mậu dịch biên giới, Bộ Công Thương cho biết, mấy ngày gần đây, tại khu vực cửa khẩu quốc tế Tân Thanh ùn tắc cơ học do xe hàng của Việt Nam lên quá nhiều.
Bến bãi chỉ có thể đáp ứng mỗi ngày 150 xe, tối đa là 160 xe. Có khoảng 70% xe của Việt Nam là xe lạnh thiệt hại ít, còn khoảng 30% là xe chở dưa hấu, chuối... bị thiệt hại nhiều.
Sở dĩ xảy ra tình trạng trên bởi một phần bến bãi tại các cửa khẩu có hạn, riêng hạ tầng khu vực cửa khẩu Tân Thanh chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, tốc độ gia tăng xe chở hàng xuất khẩu lên cửa khẩu hiện rất nhanh.
Một lý do nữa là bên Trung Quốc có quy định dù không phải đóng gói theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang phải đóng gói theo tiêu chuẩn chợ biên giới. Do đó, nhiều mặt hàng như thanh long của Việt Nam đóng đúng tiêu chuẩn thì được thông quan rất nhanh. Còn lại nhiều xe hàng lại không đóng gói mà chỉ lót rơm nên khi xuất sang phải kiểm đếm, đóng gói lại mất rất nhiều thời gian, làm tăng ách tắc.
Những mặt hàng như dưa hấu, chuối... bị ách tắc 3-5 ngày thì chất lượng giảm, nên thường bị thương nhân Trung Quốc ép giá. Nếu thuyết phục được thương nhân đóng gói đúng chuẩn thì mỗi ngày có thể thông quan được 250 xe.
Hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu biện pháp tập trung chủ yếu vào cơ chế thông tin, điều phối hàng hóa xuất khẩu từ vùng sản xuất của Việt Nam lên biên giới. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê chuẩn chương trình xúc tiến thương mại biên giới, trong đó có cơ chế hỗ trợ thương nhân xuất khẩu hoa quả sang Trung Quốc.
Bộ Công Thương đã xây dựng thông tư hướng dẫn, theo đó hỗ trợ 100% kinh phí lập dự án xây dựng các công trình dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu khu vực biên giới. Bộ còn khuyến khích doanh nghiệp tự mở rộng kho bãi dọc biên giới để tránh tình trạng ùn ứ thành hàng kéo dài.
Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị thành lập hiệp hội các thương nhân buôn bán hoa quả với Trung Quốc để tăng liên kết, đoàn kết, chia sẻ thông tin để tăng giá bán, tạo thuận lợi trong đàm phán, giúp việc xuất khẩu đạt hiệu quả cao hơn.
Về lâu dài, Bộ Công Thương đã giao Vụ Thương mại mậu dịch miền núi thực hiện quy hoạch hệ thống kho tàng, bến bãi khu cửa khẩu biên giới phía Bắc và hệ thống phân phối hàng hóa từ vùng sản xuất đến cửa khẩu.
Theo Vietnam+
|