Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã ứng trước tiền của mình để trả cho đối tác và giải phóng tàu Vinalines Global đang bị giữ tại Trung Quốc.
Trao đổi với VnExpress.net sáng 16/4, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Nguyễn Cảnh Việt xác nhận việc đơn vị này đã làm thủ tục chuyển trả cho đối tác khoản tiền 800.000 USD theo phán quyết của Tòa án Trung Quốc. “Trước mắt chúng tôi sẽ tạm chi trả số tiền này để giải phóng tàu. Vinalines Global sau đó sẽ hoạt động bình thường trở lại”, ông Việt cho biết.
Vinalines chưa cho biết số tiền này được chuyển vào lúc nào và đối tác đã nhận được chưa. Theo phán quyết của tòa, thời hạn chót để thực hiện bồi thường là 15/4, nếu không tàu sẽ bị phát mại.
Trước đó, phía đối tác Trung Quốc từng yêu cầu Vinalines bồi thường khoản tiền lên tới 1,8 triệu USD nhưng Tòa án chỉ tuyên mức phạt 800.000 USD. Theo ông Lê Đình Thanh, giám đốc chi nhánh Vinalines TP HCM (đơn vị trực tiếp quản lý Vinalines Global), tàu này hiện được định giá khoảng “vài chục triệu USD”.
Đây không phải là lần đầu tiên tàu Việt Nam bị đối tác giữ vì tranh chấp thương mại. Vài năm trước, tàu Điện Biên 02 của một doanh nghiệp trong nước cách đây vài năm khi vận chuyển xi măng trắng từ Trung Quốc sang Hàn Quốc, do giao nhầm hàng nên bị kiện. Khi đó, số tiền đòi bồi thường lên tới 3 triệu USD. Khi đến thời hạn không thanh toán, phía Trung Quốc cho biết sẽ tiến hành phát mại tàu. Sau đó, phía doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận bồi thường, nhưng với mức thấp hơn.
Theo một lãnh đạo của Cục Hàng hải Việt Nam, chuyện bắt giữ tàu thường xảy ra trong giao thương hàng hải. Khi tàu bị bắt thì chủ tàu sẽ có trách nhiệm thương lượng trực tiếp vì liên quan đến hợp đồng, bảo hiểm, các tranh chấp cụ thể và luật pháp quốc tế, nước sở tại... Khi vướng, chủ tàu có kiến nghị thì các cơ quan chức năng mới tiến hành can thiệp.
“Hàng hải là lĩnh vực rất phức tạp. Do vậy, tùy từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào hợp đồng mới có thể biết được việc nước bạn xử và đòi số tiền phạt như trên có hợp lý hay không. Nói tóm lại là phía Vinalines phải đứng ra thương lượng trực tiếp. Đằng sau họ có bảo hiểm cả các hãng bảo hiểm”, ông này cho biết.
Cũng theo kinh nghiệm của vị lãnh đạo này, điều quan trọng nhất là Vinalines phải làm việc trực tiếp với đơn vị bắt giữ tàu để thương lượng. Bên cạnh đó, các điều khoản trong hợp đồng cũng rất quan trọng vì hợp đồng hàng hải thường quy định rõ khi xảy ra tranh chấp sẽ xử theo luật nào, của nước nào, tòa án nào… “Chẳng hạn xử theo luật của Anh thì phải xử tại Tòa án Anh. Ngược lại, theo luật Trung Quốc hay tòa án Trung Quốc thì cứ thế mà làm. Điều này đã thể hiện hết trong hợp đồng”, chuyên gia này cho biết.
Theo VnExpress