|
Một số nước giàu ở châu Á, bao gồm Trung Quốc và Nhật Bản, vẫn coi trái phiếu chính phủ của Mỹ là kênh đầu tư an toàn, bất chấp tình hình căng thẳng tài chính hiện nay ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, hãng tin Reuters cho hay.
Cuộc phỏng vấn của Reuters với quan chức 4 quốc gia hàng đầu châu Á cho thấy, những nước này đang lo lắng về khả năng cuộc đàm phán nâng trần nợ vay cho Chính phủ Mỹ giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội sẽ không đi tới đâu.
Tuy nhiên, không nhà hoạch định chính sách nào có ý định thay đổi kế hoạch đầu tư dự trữ ngoại hối ngay lập tức và trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn hấp dẫn, nhất là khi tình hình nợ công tại châu Âu mỗi lúc một xấu hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Fumihiko Igarashi cho biết, hầu hết các nước đều sử dụng đồng USD như một đồng tiền dự trữ chính và tình trạng đó không thể thay đổi tức thì. Ông cho biết, Nhật Bản đặt mục tiêu đa dạng hóa dự trữ ngoại hối để giảm phụ thuộc vào trái phiếu Mỹ.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, việc thay đổi danh mục đầu tư sẽ khá khó khăn bởi bán trái phiếu kho bạc sẽ ảnh hưởng tới tài sản riêng của Nhật. Trong khi, các quan chức Ấn Độ và chuyên gia kinh tế Trung Quốc đều cho rằng, Mỹ vẫn có khả năng trả hết các khoản nợ của mình.
Trong một diễn biến khác, theo công bố của Bộ Tài chính Nhật Bản, tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã mua ròng 234,5 tỷ Yên (2,9 tỷ USD) trái phiếu dài hạn của Nhật Bản, lớn nhất kể từ tháng 1/2005.
Makoto Noji, chiến lược gia tiền tệ và trái phiếu cao cấp của hãng chứng khoán SMBC Nikko cho rằng, có khả năng Trung Quốc kỳ vọng một chính sách lãi suất thấp sau động đất và mua nợ dài hạn để tăng lợi nhuận đầu tư. Đây có thể là một động thái nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của Trung Quốc.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, trong tháng 4 mức dư nợ của các ngân hàng nước này giảm 0,9% so với cùng kì năm trước, đánh dấu tháng 17 liên tiếp hoạt động tín dụng ngân hàng suy giảm. Số liệu cho thấy, các khoản vay ngân hàng giảm còn 458.187 tỷ Yên trong tháng 4.
Sự suy giảm hoạt động tín dụng có thể là do ảnh hưởng của trận động đất hồi tháng 3. Thiên tai tàn phá nền kinh tế, làm tê liệt hoạt động nhiều doanh nghiệp, khiến nhu cầu vay vốn giảm mạnh. Cung tiền M2 tăng 2,7% lên 796.800 tỷ Yên. Cung tiền M3 tăng 2,1% trong tháng 4, cao hơn mức tăng 1,9% trong tháng 3.
Hôm qua (12/5), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã nâng dự trữ bắt buộc lần thứ 5 trong năm nay, nhằm kiểm soát lạm phát. Động thái này làm gia tăng nguy cơ giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
PBoC yêu cầu các ngân hàng nâng dự trữ bắt buộc thêm 0,5%. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 18/5 tới. Hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng đối với các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã ở mức 20,5%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã liên tục vượt 5% trong hai tháng gần đây. Trong đó, CPI tháng 3 tăng tới 5,4%, cao nhất kể từ tháng 7/2008, còn CPI tháng 4 giảm 0,1%, ở mức 5,3%.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế khu vực châu Âu nói chung, đặc biệt là các nước Đông Âu, sẽ tăng trưởng vững chắc bất chấp những nguy cơ do tình hình lạm phát và căng thẳng ở những nước lân cận.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế khu vực công bố ngày 12/5, IMF giữ nguyên mức dự báo hồi tháng 4 với Khu vực đồng Euro (Eurozone). Theo đó, Eurozone dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng 1,6% trong năm 2011 và 1,8% trong năm 2012, lạm phát lần lượt là 2,3% và 1,7%.
Cũng theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế của các nước Đông, Trung và Đông Nam Âu (trừ những nước tham gia Eurozone, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và Thổ Nhĩ Kỳ) ước tính đạt 4,3% trong năm nay và năm tới.
IMF cho rằng, sự chênh lệch về tốc độ tăng trưởng kinh tế ở các nước châu Âu sẽ được thu hẹp, do những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang giảm dần và nhu cầu tiêu thụ trong nước sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, IMF dự báo hai nền kinh tế bị khủng hoảng nợ công là Hy Lạp và Bồ Đào Nha sẽ tiếp tục suy thoái trong năm nay và lạm phát của cả khu vực châu Âu sẽ lên tới 3,8% do các hoạt động kinh tế phục hồi và giá hàng hóa tăng.
IMF một lần nữa cảnh báo mặc dù các chính sách kinh tế đã giúp ngăn chặn khủng hoảng nợ công lan rộng ở Eurozone, song nguy cơ lây lan của cuộc khủng hoảng này sang các nền kinh tế trụ cột và các nền kinh tế mới nổi trong khu vực vẫn tồn tại.
Trong khi, theo Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu, sản xuất công nghiệp tại Eurozone trong tháng 3 tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2010, nhưng giảm 0,2% so với tháng liền trước. Đồng Euro đã giảm 0,1% so với USD xuống 1,4178 USD/Euro, sau khi số liệu này được công bố.
Theo VnEconomy
|