|
Ngày 17/5, Ngân hàng HSBC đã công bố kết quả khảo sát mới nhất cho thấy các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam kỳ vọng nhu cầu về tài trợ thương mại của họ sẽ tăng trong 6 tháng tới.
52% số người được hỏi cho biết họ sẽ sử dụng nguồn tài trợ thương mại từ các ngân hàng trong khi gần 1/3 (34%) nói họ sẽ sử dụng vốn tự có để kinh doanh.
Về các biện pháp doanh nghiệp sử dụng để bảo vệ mình khỏi các rủi ro về thanh toán từ phía người mua, số lượng các doanh nghiệp chọn giải pháp đưa ra các kỳ hạn linh động tăng đáng kể (đạt mức 38% so với 14% khảo sát kỳ 2 năm 2010) hoặc hạn chế giao thương với một số đối tác nhất định.
Thêm vào đó, họ cũng sẽ chấp nhận những đơn hàng nhỏ hơn để giảm thiểu rủi ro cho mỗi giao dịch, yêu cầu thanh toán trước và sử dụng nhiều hơn công cụ tài trợ thương mại thông qua các ngân hàng.
Số lượng nhà kinh doanh đặt hy vọng của họ vào những khoản bảo hiểm rủi ro xuất khẩu lại giảm đi. Trong khi hầu hết các nhà kinh doanh trên thế giới hy vọng Nhân dân tệ sẽ là một trong ba đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong kinh doanh trong năm 2011, đồng USD vẫn là đồng tiền được các doanh nghiệp Việt Nam ưa chuộng sử dụng trong các hoạt động giao thương quốc tế.
Vì lý do đó, có nhiều hơn các doanh nghiệp (81% so với 74% của cùng kỳ năm trước) cho biết sự biến động tỷ giá hối đoái là khó khăn lớn nhất trong việc phát triển kinh doanh.
Có nhiều hơn các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng tác động của tỷ giá hối đoái trong 6 tháng tới sẽ không có lợi cho việc kinh doanh của họ; lãi suất tăng cao đã trở thành mối quan ngại lớn thứ hai trong việc phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cũng theo khảo sát này, chỉ số tin cậy thương mại tại thị trường Việt Nam đạt 116 điểm, giảm 6 điểm so với kết quả nửa cuối năm 2010. Trong khi mức độ lạc quan được ghi nhận cao nhất tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ (140 điểm), Vương quốc Arập Xêút-KSA (132 điểm) và Mexico (125 điểm).
Mức độ tin tưởng vào triển vọng giao thương tại các thị trường khác như Trung Quốc là 114 điểm, Đức 107 điểm và Mỹ 111 điểm…
Tuy có giảm đôi chút nhưng kết quả khảo sát cũng cho thấy các nhà kinh doanh tại Việt Nam (70%) vẫn lạc quan về triển vọng giao thương và hy vọng khối lượng giao dịch sẽ tiếp tục tăng trong thời thời gian tới.
Kết quả này cũng phản ánh sự thận trọng của các doanh nghiệp Việt Nam trước những khó khăn trong thời gian tới, đặc biệt là lo ngại về biến động tỷ giá ngoại hối, lãi suất cũng như những rủi ro từ phía người mua và nhà cung cấp tăng cao.
Theo Vietnam+
|