Tại phiên phản biện Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011 tổ chức sáng 17/5, TS Võ Trí Thành (Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) nhấn mạnh, phải đánh giá một cách thấu đáo hơn vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc. Theo TS Võ Trí Thành, 1/4 hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là thiết bị sản xuất, một nửa hàng trung gian phục vụ cho sản xuất xuất khẩu.
Theo CIEM, nếu 100 đồng nhập từ Trung Quốc thì có 25 đồng là nhập thiết bị sản xuất, còn lại 70-75% là hàng trung gian - trong số này, một nửa để tạo ra hàng sản xuất xuất khẩu sang các thị trường khác.
Ông Thành đánh giá, bản thân số nhập khẩu trung gian này không tạo ra thâm hụt khi tỷ lệ nhập trên xuất là 5:7. Nếu tăng hàm lượng nội địa sẽ cải thiện được giá trị gia tăng trong xuất khẩu.
Ông cũng khuyến nghị, sắp tới, Việt Nam cần đẩy mạnh đàm phán FTA với các thị trường khác và cân nhắc để giành được lợi thế thương mại.
Bản báo cáo dành hẳn 1 chương để phân tích thâm hụt cán cân thương mại Việt Nam-Trung Quốc. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là lợi thế cạnh tranh của các nhà thầu Trung Quốc với 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất... của Việt Nam đều do Trung Quốc đảm nhiệm, giá trị trúng thầu hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD/dự án.
Bên cạnh đó là năng lực cạnh tranh và cơ cấu sản phẩm trong thương mại song phương Việt Nam-Trung Quốc. Hàng hóa Việt Nam có khả năng cạnh tranh kém cả về giá cả và chất lượng. Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc khoáng sản và nông lâm thủy sản với khối lượng nhỏ, giá cả bấp bênh... Trong khi đó, vẫn thiếu vắng hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo Vinanet