|
Theo Chương trình xuất khẩu thuỷ sản đến năm 2015 và định hướng đến 2020 đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự thảo, 10 năm nữa, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam có thể đạt kim ngạch 8 tỷ USD.
Tại hội thảo lấy ý kiến về chương trình này TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên thứ trưởng Bộ Thuỷ sản cho hay, mục tiêu của ngành thuỷ sản trong thời gian tới là giữ vững nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu từ 8-10%/năm để đạt kim ngạch xuất khẩu 6,5- 6,7 tỷ USD vào năm 2015 và đạt con số 8 tỷ USD vào 2020.
Ngành thuỷ sản tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến theo chiều sâu trên cơ sở đổi mới kỹ thuật công nghệ. Tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng, sản phẩm ăn liền, sản phẩm làm sẵn chiếm 40- 50% giá trị xuất khẩu vào 2015.
Hướng tới 100% các cơ sở chế biến xuất khẩu đáp ứng các quy định và các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh, an toàn môi trường theo yêu cầu của thị trường, tham gia chuỗi sản xuất với mô hình liên kết cộng đồng và thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn định hướng đến 2020 thuỷ sản sẽ tiếp tục là ngành đi đầu trong công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Toàn bộ ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản được quản lý theo tiếp cận hệ thống, chuyên nghiệp hiệu quả, với công nghệ tiên tiến, hiện đại, có thương hiệu, có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế…
Về thị trường, sẽ giữ vững cơ cấu dựa trên ba trụ cột chính là EU - Nhật Bản - Mỹ, các thị trường này tiếp tục chiếm tỷ trọng 60- 65% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Song song với việc phát triển mạnh các thị trường tiềm năng như Đông Âu, ASEAN, Nam Âu, Trung Đông, Nam Mỹ cùng các thị trường đơn lẻ là Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Úc…
Đối với nguyên liệu từ khai thác biển giữ ổn định ở múc 2 triệu tấn/năm. Trong đó khoảng 490.000 tấn cho chế biến xuất khẩu.
Thời gian tới, nhập khẩu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu sẽ là một chủ trương nhất quán để gia tăng xuất khẩu, tăng kim ngạch và giải quyết việc làm. Ước tính nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đến năm 2015 là khoảng 650.000 tấn.
Trong công tác phát triển thị trường, theo đề xuất sẽ tạo cơ chế cho Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) lập quỹ trên cơ sở thu từ doanh nghiệp xuất khẩu để xây dựng chương trình nghiên cứu thị trường, truyền thông, tiếp thị, xây dựng hình ảnh cho các sản phẩm chủ lực. Phát triển và nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm để mang lại giá trị gia tăng cho chuỗi sản xuất sản phẩm.
TS. Lê Tiêu La, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản cho rằng để đạt được mục tiêu như đã đề ra Hội Nghề Cá Việt Nam và VASEP cần phải liên minh lại để cùng hướng về mục đích chung là phát triển ngành thuỷ sản chứ không nên tách rời như hiện nay sẽ không mang lại hiệu quả.
Còn đại diện cho Vụ Nuôi trồng Thuỷ sản thì nhấn mạnh thời gian tới ngành thuỷ sản cần giảm xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô, thay vào đó là tăng xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn.
Nhưng để làm được điều này cần phải chú trọng tới vùng nguyên liệu, phải tạo được mối liên kết để có được những hợp đồng lớn để cả người sản xuất và nuôi trồng đều có thể yên tâm với việc đầu tư của mình.
“Ngoài ra, để đảm bảo kim ngạch xuất khẩu như đã đề ra còn phải đầu tư vào phát triển các loại thuỷ sản khác như cá ngừ, nhuyễn thể, cá rô phi… vì đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu cá tra vẫn dẫn đầu nhưng cũng chỉ đạt 3,6 tỷ USD còn tôm là 3,2 tỷ USD”, TS. Hồng Minh nhìn nhận.
Theo VnEconomy
|