Xuất khẩu của châu Á đang bị đe dọa do tác động của khủng hoảng nợ châu Âu cùng tăng trưởng trì trệ của kinh tế Mỹ.
Theo các báo cáo mới công bố, xuất khẩu của Hàn Quốc, Ấn Độ và Thái Lan đã tăng chậm lại. Trong tháng 5, xuất khẩu của Thái Lan tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thua xa mức tăng trưởng của tháng 4 là 24,6%. Tăng trưởng xuất khẩu của Ấn Độ tháng 5 là 34,4%, còn tháng 4 là 43,9%.
Credit Suisse Group AG nhận định tình hình ở Trung Quốc cũng không mấy khả quan. Tao Dong – kinh tế trưởng tại châu Á của hãng – cho biết, xuất khẩu của Trung Quốc có thể chậm lại trong mùa hè này do nền kinh tế Mỹ vẫn ở trong tình trạng yếu kém khiến nhu cầu giảm.
Theo Bloomberg, ngành xuất khẩu của châu Á vẫn phụ thuộc lớn vào nhu cầu tại Mỹ và châu Âu, dù các quốc gia trong khối G20 đã đẩy mạnh tái cân bằng lại nền kinh tế thế giới nhằm giúp tăng trưởng toàn cầu bớt phụ thuộc vào mối quan hệ này và dựa nhiều hơn vào nhu cầu trong nước.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các nền kinh tế châu Á chiếm 35% xuất khẩu toàn cầu năm 2009, trong khi một thập kỷ trước chỉ là 25%. Năm 2010, xuất khẩu chiếm 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Nhật Bản, còn tại Hàn Quốc là khoảng 50%. Hoạt động này cũng đóng góp tới 60% GDP của Thái Lan, hai phần ba GDP của Đài Loan và một phần ba kinh tế Australia.
Tuần trước, lần thứ hai trong vòng hai tháng, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2011. Đồng thời, IMF cũng cảnh báo sự phục hồi yếu ớt của kinh tế nước này cùng tác động xấu của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới.
Theo VnExpress