|
Với tốc độ gia tăng xuất khẩu đều đặn như hiện nay, theo dự báo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2013 có thể đạt 131 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, cao hơn so với mục tiêu đề ra từ đầu năm (126,1 tỷ USD).
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tháng 10, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,7 tỷ USD, tăng 12,7% so với tháng 10 năm 2012. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 107,97 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu của DN có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt hơn 66,14 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ.
Xét theo nhóm hàng, so cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 16,4 tỷ USD và chiếm tỷ trọng 15,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như thủy sản tăng 6,2%; rau quả tăng 23,4%; nhân điều tăng 9,6%...
Điểm đáng lưu ý nhất trong bức tranh xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản chính là sự gia tăng đáng kể mặt hàng tôm, đặc biệt vào thị trường Mỹ. Cụ thể, sau 9 tháng, xuất khẩu tôm sang Mỹ đã đạt trên 542,7 triệu USD, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 9/2013, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt mức cao kỷ lục, tăng 138,7% so với cùng tháng năm ngoái. Mỹ đã chính thức vượt qua Nhật Bản, trở thành quốc gia nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Nguyên nhân của sự gia tăng này là do tôm Việt Nam đã chính thức được công nhận không bán phá giá.
Tính chung, sau 10 tháng, xuất khẩu tôm đạt 2 tỷ USD.
Vẫn giữ vị trí đầu tiên trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực là nhóm hàng công nghiệp chế biến với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 75,9 tỷ USD, tăng 26,3%, chiếm tỷ trọng 70,3%, trong đó hóa chất tăng 28,6%; điện thoại và linh kiện tăng 76,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 41,5%.... Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa khác đạt 7,9 tỷ USD, tăng 21,4% và chiếm tỷ trọng 7,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Trong tất cả các nhóm ngành hàng xuất khẩu, chỉ duy nhất kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản là giảm 19,1%, ước đạt 7,83 tỷ USD và chiếm tỷ trọng 7,3%, trong đó quặng và khoáng sản tăng 8,8%...
Xét theo thị trường, xuất khẩu vào thị trường châu Á tăng 12,5%, chiếm tỷ trọng gần 51,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; châu Âu tăng 22,1% và chiếm tỷ trọng trên 20,4% (trong đó EU tăng 23,1% và chiếm tỷ trọng 18,4%); châu Mỹ tăng 19,8%, chiếm tỷ trọng 20,9%; châu Phi tăng 5,3%, chiếm tỷ trọng 1,5%; châu Đại Dương tăng 18,5%, chiếm tỷ trọng 2,7%; thị trường chưa phân tổ chiếm tỷ trọng gần 2,7%.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn. Nguyên nhân chủ yếu do các mặt hàng công nghiệp chế biến vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, đặc biệt là nhóm điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính và linh kiện. Sau 10 tháng, nhóm hàng này đã đạt giá trị xuất khẩu trên 17,7 tỷ USD. Xét theo khối DN, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI đóng góp đáng kể cho tăng trưởng xuất khẩu. Tính đến nay đã có 20 nhóm/mặt hàng có trị giá xuất khẩu trên 1 tỷ USD, dẫn đầu là nhóm điện thoại các loại và linh kiện. 11 nhóm hàng trong đó đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, một trong những điểm nổi bật nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu những tháng đầu năm là DN đã tận dụng được triệt để các thị trường sử dụng C/O ưu đãi. Theo đó, sau 9 tháng, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi xuất khẩu sang ASEAN đạt 31%, Hàn Quốc đạt trên 90%, Nhật Bản đạt 75%.... Tính chung, sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu có sử dụng các loại C/O ưu đãi đã đạt khoảng 16 tỷ USD (9 tháng năm 2012 đạt 14 tỷ USD), chiếm khoảng 16,5% tổng KNXK. Đây là một trong những "điểm sáng" của xuất nhập khẩu và cũng là một trong những yếu tố khiến xuất khẩu tăng cao.
Về nhập khẩu, sau 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 108,16 tỷ USD. Như vậy, tính chung 10 tháng, cả nước nhập siêu 187 triệu USD, bằng 0,17% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Với tốc độ gia tăng xuất nhập khẩu như thời gian qua, Bộ Công Thương dự báo, năm 2013, xuất khẩu cả nước có thể đạt 131 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, cao hơn khá nhiều so với mục tiêu đề ra từ đầu năm (126,1 tỷ USD). Bên cạnh đó, nhập khẩu sẽ tiếp tục được kiểm soát và dự kiến, nhập siêu năm 2013 sẽ vào khoảng trên dưới 500 triệu USD.
Bà Phan Thị Diệu Hà – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết thêm, để duy trì những kết quả mà xuất khẩu đã đạt được thời gian qua, thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành hàng, Sở Công Thương các địa phương theo sát tình hình, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN. Về lâu dài, Bộ Công Thương đang triển khai "Chiến lược Xuất nhập khẩu đến năm 2020, tầm nhìn 2030" để xây dựng, triển khai đề án đảm bảo xuất khẩu bền vững, kiểm soát nhập siêu trong giai đoạn tới.
Theo Báo Đối ngoại Vietnam Economic News
|