|
“Theo lộ trình thì chúng tôi vẫn phải lắp, nhưng sẽ làm gì với thiết bị đó thì tới giờ chúng tôi vẫn chưa biết và đang gặp nhiều lúng túng”, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho hay.
Chỉ còn một ngày nữa là tới mốc ngày 1/7/2011 – giới hạn để các doanh nghiệp (DN) thực hiện lắp thiết bị giám sát hành trình xe ô tô (còn gọi là “hộp đen”, GPS) theo Nghị định 91 ban hành. Nếu các DN muốn được cấp giấy phép kinh doanh vận tải từ các Sở Giao thông Vận tải, phải thỏa mãn điều kiện là có hợp đồng lắp đặt và nghiệm thu thiết bị hộp đen.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, các DN và Hiệp hội vận tải ôtô vẫn đang kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục cho sử dụng hộp đen chưa hợp chuẩn trong một thời gian nhất định, để tránh lãng phí hoặc cho phép nâng cấp thiết bị để đạt yêu cầu, vì khó có thể lắp đặt thiết bị theo đúng lộ trình.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam: "Nhiều DN siêu nhỏ chỉ có 2-3 xe, đặc biệt là các hợp tác xã, các chủ xe có thể lắp được thiết bị nhưng hợp tác xã làm thế nào để có cán bộ, hệ thống quản lý, vận hành thiết bị vẫn còn là một dấu hỏi? Ngoài ra, các DN vẫn chưa có thời gian chuẩn bị cho công việc này về khai thác thông tin, quản lý theo dõi xe…"
“Đối với những thiết bị đã lắp ráp rồi, hiệp hội cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải không hồi tố, cho phép các DN vận tải tiếp tục sử dụng trong thời gian nhất định, để tránh lãng phí”, ông Hùng cho biết thêm.
Đồng tình quan điểm đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay: “Việc lắp thì chúng tôi vẫn lắp, nhưng sau đấy làm gì với thiết bị đó thì tới giờ chúng tôi chưa biết thế nào và đang gặp nhiều lúng túng”.
Theo Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải, tính đến ngày 28/6, đã có 4 doanh nghiệp cung cấp thiết bị hộp đen được cấp giấy chứng nhận hợp quy của Bộ.
Ông Đào Thanh Anh, Giám đốc Công ty Điện Tử Bình Anh - đơn vị sản xuất thiết bị hộp đen: “Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng thuộc diện đã lắp hộp đen nhưng chưa hợp quy, chúng tôi đang lên phương án, có thể là bổ sung một số phụ kiện hay nâng cấp thiết bị cũ, hoặc hỗ trợ mua lại thiết bị cũ do công ty sản xuất và bán cho khách hàng thiết bị mới đạt chuẩn” .
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 2,5 vạn chiếc container cần lắp, giá lắp cho 1 chiếc trên xe cỡ khoảng 6 đến 7 triệu, như vậy cũng lên tới trên 100 tỷ, đó là chưa kể xe khách và các hệ thống quản lý khác.
Công ty Bình Anh cho biết, hiện đơn vị này đã cung cấp gần 10.000 thiết bị ra thị trường cho một số khách hàng như: Transerco, Mai Linh, Hoàng Long, Hoàng Hà, Cổ phần xe khách Hà Nội, xe khách Bắc Giang… Trong số này có khoảng 25% thuộc diện phải lắp đặt trước 1/7/2011.
Theo Lao Động
|