|
Một trong hai mối lo lớn nhất bao phủ tâm lý sợ hãi, bất an lên thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu trong phiên giao dịch ngày 11/7 là nỗi lo về tình hình nợ nần của Italy, khi gánh nặng nợ đã chiếm tới 120% GDP của quốc gia châu Âu này.
Hôm qua (11/7), các đại diện của Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành nhóm họp để thảo luận về tình hình tài chính của Italy, bất kể trọng tâm chính của cuộc họp được xác định ban đầu là về những khó khăn của Hy Lạp.
Là nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Âu và hiện có mức nợ công chiếm tới 120% GDP, Italy đang trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là sau khi hai tổ chức tín nhiệm Standard & Poor 's và Moody's cảnh báo có thể hạ cấp xếp hạng tín nhiệm nợ công của Italy.
Từ cuối năm ngoái, do lo ngại Italy không thể thanh toán được các món nợ khổng lồ, nhiều nhà đầu tư đã đẩy lãi suất cho vay lên cao. Lãi suất đi vay trong 10 năm của Italy hiện tăng thêm 2,36%, lên 5,27%, trong khi chỉ số chứng khoán giảm 3,5%. Thêm vào đó, chính trị tại Italy cũng đang khiến nhiều người lo ngại.
Bất đồng giữa Thủ tướng Silvio Berlusconi và Bộ trưởng Bộ Tài chính Giulio Tremonti ngày một tăng, khiến dư luận càng trở nên lo lắng về khả năng giải quyết gánh nặng nợ nần của Italy. Giới phân tích cho rằng, nếu bất đồng này kéo dài, kinh tế Italy có thể nối gót Hy Lạp.
Các nhà giao dịch đã bán ra trái phiếu và cổ phiếu ngân hàng của Italy trước khả năng nước này có thể vướng vào những vấn đề như của Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland. Theo nhà phân tích Teppei Ino ở Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ, thị trường đang theo sát diễn biến tình hình tại châu Âu.
Ngoài vấn đề về mức độ bền vững tài chính, nhiều nhà phân tích cho rằng, Italy nên quan tâm nhiều hơn đến sự thịnh vượng dài hạn của mình. Trong quý đầu năm nay, nền kinh tế Italy chỉ tăng trưởng 0,1%, trong khi khu vực đồng tiền chung châu Âu nói chung đã tăng trưởng 0,8%.
Tuần trước, Chính phủ Italy đã công bố dự thảo ngân sách thắt lưng buộc bụng để trình quốc hội xem xét thông qua trước cuối tháng 7 này. Theo đó, chính phủ nước này có kế hoạch tiết kiệm 51 tỷ Euro (khoảng 73 tỷ USD) trong vòng ba năm nhằm cân bằng ngân sách vào năm 2014.
Tuy nhiên, Roma cũng hy vọng sẽ tái khởi động nền kinh tế yếu ớt của Italy thông qua các biện pháp như miễn giảm thuế cho các doanh nhân trẻ và cho phép các cửa hàng, cửa hiệu kéo dài thời gian bán hàng vào cuối tuần.
Kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" kéo dài trong ba năm của Chính phủ Italy là nhằm mục tiêu đáp ứng các quy định về thâm hụt ngân sách của Liên minh châu Âu, nhưng quan trọng hơn là nhằm xua tan các mối lo ngại về khả năng thanh toán của nước này.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Italy Giulio Tremonti, bên cạnh các biện pháp kinh tế khắc khổ, Chính phủ Italy cũng đề xuất ngừng tăng lương cho các nhân viên thuộc khu vực nhà nước trong vòng bốn năm, đưa ra các mức lệ phí về khám chữa bệnh và cắt giảm nguồn ngân sách của nhà nước cấp cho chính quyền địa phương.
Vấn đề nợ nần của Italy diễn ra đúng thời điểm các nước châu Âu vẫn đang vật lộn với các vấn đề tài chính của Hy Lạp. Cho nên, không có gì phải ngạc nhiên khi có ý kiến nhận định rằng, Italy có thể trở thành mắt xích tiếp theo Hy Lạp có nguy cơ vỡ nợ.
Ngoài những tác động tới thị trường chứng khoán, nỗi lo mang tên Italy cũng ảnh hưởng trực tiếp tới giá trị đồng Euro trên thị trường tiền tệ. Phiên 11/7 tại châu Á, đồng Euro mất giá mạnh so với đồng USD.
Trong phiên giao dịch buổi chiều tại Tokyo, đồng tiền châu Âu giảm xuống 1,4188 USD, so với 1,4258 USD tại New York cuối tuần trước. Trong khi đó, đồng bạc xanh tăng lên 80,76 Yên, so với 80,55 Yên.
Đồng Euro chịu sức ép xuống giá còn bởi những nhận định cho rằng, các cuộc đàm phán về việc tái cơ cấu nợ đối với Hy Lạp sẽ là điều không tránh khỏi. Việc đồng tiền này sẽ giảm giá đến mức nào phụ thuộc rất lớn vào dạng thức tái cơ cấu nợ của Hy Lạp.
Vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay là việc Ngân hàng Trung ương châu Âu có tiếp tục chấp nhận trái phiếu Hy Lạp như đồ ký quỹ hay không và mức độ thiệt hại các thiết chế tài chính châu Âu sẽ phải gánh đến mức nào.
Trong khi đó, cuối tuần trước, các chuyên gia tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra ba thách thức mới xuất hiện đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu, đặc biệt ở các nền kinh tế trưởng nhanh, trang Vietnamplus cho hay.
Thứ nhất, một loạt dữ liệu tài chính tiêu cực bất ngờ nổi lên mới đây đã buộc các nhà đầu tư đánh giá lại sự bền vững của phục hồi kinh tế thế giới. Thứ hai, thế giới ngày càng lo ngại quyết tâm chính trị của châu Âu trong nỗ lực điều chỉnh kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng vốn đang trì trệ.
Thứ ba, nguy cơ tiềm tàng về tác động của thời kỳ lãi suất thấp kéo dài, khiến giới đầu tư đánh giá thấp các hiểm họa trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận đầu tư, làm tăng nguy cơ mất cân bằng tài chính trong nền kinh tế toàn cầu.
Để loại bỏ ba nguy cơ trên, các nhà tài chính quốc tế kêu gọi các nước nỗ lực giải quyết tận gốc các thách thức tài chính còn tồn tại.
Các nền kinh tế phát triển cần dỡ bỏ có trật tự gói tài chính, trong khi các nền kinh tế mới nổi tập trung tái sử dụng các gói tài chính đòn bẩy kinh tế đồng nghĩa với tăng nợ để chống nguy cơ mất cân bằng tài chính và phát triển quá nóng của nền kinh tế.
Trong lúc này, các nước mới nổi vẫn đang vật lộn với nan đề lạm phát. Giá cả hàng hoá tiêu dùng tăng vọt tại hàng loạt nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil đang gây ra những gánh nặng cho các quốc gia này.
Tuần trước, Trung Quốc công bố chỉ số lạm phát tháng 6 tăng 6,4%, mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Tại Ấn Độ, lạm phát tháng 5 đã tăng lên mức 9,6%. Tại Brazil, Nga, lạm phát cũng không ngừng tăng cao.
Không chỉ có các nền kinh tế mới nổi, nhiều nơi khác trên thế giới cũng đang phải đối mặt với nguy cơ lạm phát gia tăng, như khu vực châu Âu. Lạm phát tại 17 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu tháng 5 tăng 2,7%, vượt mục tiêu 2% mà ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu) đặt ra trong dài hạn.
Các nhà đầu tư lại một phen hy vọng rồi lại tràn trề thất vọng khi cuộc đàm phán nâng trần nợ của Chính phủ Mỹ không đạt kết quả như mong đợi, thậm chí có nguy cơ đổ vỡ, trong khi thời hạn 2/8 đang cận kề.
Sau cuộc thảo luận hôm qua, Tổng thống Obama tuyên bố sẽ không có thỏa thuận nâng cao trần nợ, nếu đảng Cộng hòa không thỏa hiệp. Ngược lại, đảng Cộng hòa cũng tỏ ra cứng rắn khi kiên quyết không chấp thuận điều khoản tăng thuế đối với tầng lớp giàu có của ông Obama.
Tổng thống Obama cảnh báo, nếu không đạt được một thỏa thuận tăng trần nợ, suy thoái có thể trở lại và đẩy hàng triệu người dân vào cảnh thất nghiệp. Còn theo giới phân tích, thế bế tắc giữa hai đảng đang vẽ nên một bức tranh tương lai đầy ảm đạm của kinh tế Mỹ.
Theo VnEconomy
|