|
Lần đầu tiên trong lịch sử, nợ công của Mỹ đã lên sát mức trần 14.290 tỷ USD và nguyên nhân dẫn tới tình trạng này được coi là do Chính phủ Mỹ thời gian qua đã tiến hành các chương trình cắt giảm thuế và chi mạnh tay cho các gói hỗ trợ, nhằm cố đưa nền kinh tế nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo nếu không đạt được thỏa thuận nâng mức trần nợ công trước ngày 2/8 tới, ngân sách của chính phủ liên bang sẽ "cạn" và điều này sẽ tác động rất nghiêm trọng đến nền kinh tế Mỹ và các thị trường tài chính toàn cầu.
Tối 19/7 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về cắt giảm chi tiêu 6.000 tỷ USD trong ngân sách liên bang để đổi lấy việc nâng mức trần vay nợ của chính phủ thêm 2.400 tỷ USD.
Với tỷ lệ 234 phiếu thuận và 190 phiếu chống, dự luật có tên gọi "Cắt giảm, Giới hạn và Cân bằng" đề xuất cắt giảm 111 tỷ USD trong ngân sách tài khóa 2011-2012, đồng thời định ra giới hạn chi tiêu của chính phủ liên bang ở mức khoảng 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sẽ áp dụng những hạn chế nghiêm ngặt đối với chi tiêu của chính phủ trong tương lai.
Dự luật cũng đòi hỏi cả Hạ viện lẫn Thượng viện chấp thuận một điều khoản sửa đổi hiến pháp để buộc chính phủ cân bằng ngân sách, nghĩa là không được phép chi nhiều hơn nguồn thu.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng thách thức nợ công của Mỹ nên được giải quyết, song cần được xử lý theo hướng "tiếp cận cân bằng". Mặc dù khẳng định "có một số tiến bộ" trong các cuộc thương lượng về vấn đề nợ công với các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa, song ông cũng cảnh báo "không còn nhiều thời gian" để ngăn chặn một thảm họa vỡ nợ cho nước Mỹ khi thời hạn chót để giải quyết vấn đề trần nợ công của Mỹ đang đến gần.
Ông Obama cảnh báo nguy cơ xảy ra "phản ứng tiêu cực trên các thị trường tài chính" trong ngắn hạn nếu tranh cãi chính trị hiện nay không được nhanh chóng giải quyết, đồng thời kêu gọi Quốc hội đang bị chia rẽ "sớm tìm kiếm một thỏa thuận" nhằm tránh để Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ vào đầu tháng 8/2011.
Nếu tới ngày 2/8 tới, Quốc hội Mỹ không nâng mức nợ trần, Bộ Tài chính Mỹ sẽ không còn quyền tổ chức các cuộc đấu giá trái phiếu hay nói cách khác, không còn được phép đi vay. Lúc này, Chính phủ Mỹ phải khắc phục bằng cách cắt giảm chi tiêu để nợ không phình to thêm (như đảng Cộng hoà mong muốn). Đến một lúc nào đó, khi không có nguồn thu để hoạt động và để trả lãi số nợ cũ thì phải "tuyên bố phá sản."
Trước đó, ông Obama và các thành viên đảng Dân chủ cuối tuần qua đã họp bàn với đảng Cộng hoà về việc nâng trần nợ công, mở đường cho chính phủ được "vay" thêm từ việc phát hành trái phiếu. Tuy vậy, đảng Cộng hoà chỉ trích Chính phủ Mỹ là "vung tay quá trán" và nhất quyết không thông qua trần nợ mới nếu Nhà Trắng vẫn tăng thuế. Đảng Cộng hoà nói rằng chính phủ phải giảm chi tiêu mạnh tay thì mới thông qua trần nợ, trong khi Dân chủ nói việc giảm chi tiêu sẽ làm ảnh hưởng đến người dân.
Tóm lại, nếu các nhà hoạch định chính sách Mỹ thất bại trong việc quyết định nâng mức nợ trần quốc gia, họ sẽ phải đối mặt với hai lựa chọn khó khăn. Một là cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế để giúp tăng thu ngân sách vài trăm tỷ USD tới cuối tháng 9, thời điểm kết thúc tài khóa của Mỹ. Đây sẽ là một quyết định khó khăn và dường như là bất khả thi để tiến hành một khi xét tới những phản ứng kinh tế nghiêm trọng. Hoặc họ sẽ phải nhận thức rõ ràng rằng Mỹ sẽ không có khả năng thanh toán hoàn toàn các khoản nợ, và theo đó sẽ rơi vào tình huống vỡ nợ. Khi đó, các khoản nợ quá hạn sẽ được tính lãi suất rất cao và giá trị đồng USD sẽ suy giảm, chưa kể các tác động tiêu cực khác.
Đảng Cộng hòa cũng lên kế hoạch tập trung sức lực cho kế hoạch cắt giảm, giới hạn và cân bằng ngân sách với mục đích giảm chi tiêu hơn 100 tỷ USD năm tới, giới hạn tiêu dùng và yêu cầu sửa đổi ngân sách phải được Quốc hội thông qua rồi gửi tới chính quyền các bang phê chuẩn trước khi thống nhất nâng mức trần nợ công.
Đảng Cộng hòa hiện nắm quyền kiểm soát Hạ viện đã bác bỏ đề xuất tăng thuế đối với người giàu để tăng thu ngân sách. Họ cho rằng làm vậy sẽ kiềm chế đầu tư và giảm tăng trưởng việc làm, đồng thời tuyên bố không tăng nợ trần nếu đảng Dân chủ không cắt giảm chi tiêu.
Các nhà phân tích cho hay nếu Mỹ không đạt được thỏa thuận về mức trần nợ công thì kinh tế thế giới sẽ bị tác động bất lợi, trong khi vẫn đang cố sức hồi phục sau cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng năm 2008 và nguy cơ đẩy kinh tế nước này suy giảm có thể xảy ra.
Mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor's đã đặt vấn đề xem xét mức tín nhiệm của Mỹ do nguy cơ vỡ nợ tăng cao. Trước đó, một công ty xếp hạng tín nhiệm lớn khác là Moody's cũng cảnh báo sẽ hạ mức tín nhiệm AAA của Mỹ.
Theo Vietnam+
|