|
Phát biểu tại Bắc Kinh cuối tuần qua, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào "vùng nguy hiểm" mới trong mùa Thu năm nay, trong bối cảnh thế giới vẫn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng ở châu Âu và Mỹ.
Ông Zoellick nhấn mạnh: "Cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu đã biến thể thành cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng, với các tác động nghiêm trọng đối khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), các ngân hàng, cũng như khả năng cạnh tranh của một số nước thành viên trong khu vực. Trong khi đó, Mỹ cần phải giải quyết triệt để các vấn đề nợ, chi tiêu và cải cách thuế nhằm thúc đẩy tăng trưởng của khu vực tư nhân, cũng như chính sách thương mại."
Ông Zoellick cũng hối thúc Trung Quốc đẩy mạnh các cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy nền kinh tế vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu hướng tới một mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa.
Trong khi cảnh báo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các thách thức và khó khăn trong những năm tới, ông nêu rõ: "Những thách thức cơ cấu của Trung Quốc xuất hiện trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm lại và niềm tin ngày càng sa sút trên các thị trường toàn cầu".
Tuy nhiên, Chủ tịch WB cho rằng trong 15-20 năm tới, Trung Quốc sẽ tham gia hàng ngũ những nước có thu nhập cao trên thế giới. Tháng Bảy vừa qua, WB đã tái phân loại Trung Quốc là nền kinh tế có thu nhập trên trung bình (trung bình cao), đưa nước này vào nhóm những quốc gia cần phải hành động để chuyển đổi các mô hình tăng trưởng kinh tế.
Theo WB, các quốc gia thuộc nhóm này có thể vượt qua được "gọng kìm" giữa sự cạnh tranh từ các nền kinh tế thu nhập thấp và các nước thu nhập cao hơn bằng cách cải tiến công nghệ và đẩy mạnh đổi mới.
Ông Zoellick hối thúc Trung Quốc giải quyết vấn đề đó, đồng thời cho rằng các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh "biết rõ cần phải làm gì."
Trung Quốc luôn chịu sức ép từ châu Âu và Mỹ đòi định giá lại đồng nhân dân tệ, vì cho rằng đồng tiền này được ấn định ở mức tỷ giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Chính sách tiền tệ và quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc cũng là căn nguyen dẫn đến những xích mích kéo dài giữa nước này với các đối tác thương mại chủ chốt.
Theo Vietnam+
|