|
“Kinh tế khó khăn bao trùm toàn cầu. Xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu (EU), Nhật… có xu hướng sụt giảm. Phải tìm hướng xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường khác mới giữ được mức tăng trưởng”.
Nhận xét kể trên của ông Phan Văn Kiệt, phó tổng giám đốc tổng công ty may Việt Tiến cũng là nhận xét chung của nhiều doanh nghiệp dệt may hiện nay.
Lo sụt giảm từ thị trường lớn
Theo số liệu của tổng cục Thống kê, trong tháng 8.2011, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục phá kỷ lục, đạt kim ngạch xuất khẩu đến 1,4 tỉ USD. Tính tám tháng đầu năm 2011, xuất khẩu dệt may đạt gần 9 tỉ USD, tăng khoảng 29% so với cùng kỳ. Hiện nay, ba thị trường quan trọng nhất với ngành dệt may vẫn là Mỹ chiếm đến 51%, EU chiếm 17% và Nhật Bản chiếm 12%.
Nhưng ngay trong giai đoạn doanh thu tăng, các doanh nghiệp đã nhận ra những dấu hiệu bất an. “Những đơn hàng từ châu Âu đang bị giảm, khách đặt hàng may mặc từ Mỹ cũng đang dè dặt với số lượng đặt hàng ít hơn và thời gian chậm hơn…”, ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết. Theo ông Hồng, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang phải tìm cách “lấp chỗ trống”, xuất khẩu sang những thị trường mới, tạo nên mức tăng khá tốt cho kim ngạch xuất khẩu. Như xuất khẩu dệt may sang Cuba được 892.000 USD, Brazil 16 triệu USD, Ấn Độ 11 triệu USD...
Theo ông Thân Đức Việt, giám đốc điều hành công ty May 10, thì tình hình tiêu thụ tại Mỹ đang có khó khăn. Các tác động từ chính sách thắt chặt chi tiêu của Chính phủ Mỹ sau khi gỡ bỏ trần nợ công hồi đầu tháng 8, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến hàng hoá xuất khẩu vào thị trường này.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tám tháng đầu năm tăng gần 30% cũng không làm cho các doanh nghiệp trong ngành hào hứng, bởi chủ yếu nhờ tăng giá xuất khẩu, nhưng chi phí đầu vào cũng tăng. Sản lượng thực sự chỉ tăng được 10%. Phần lợi nhuận thu được cũng chỉ còn chừng 2 – 3%.
Tìm cơ hội ở thị trường nhỏ
Hiện nay, theo tính toán của tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ bảy trên bản đồ dệt may thế giới, sau Trung Quốc, khu vực EU, Hong Kong, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Ấn Độ, và đang chiếm 2,7% thị phần xuất khẩu toàn cầu. Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada, Nga là những khu vực tiêu dùng hàng dệt may lớn nhất, chiếm tới 86,4% thị phần nhập khẩu thế giới, và đều là những thị trường truyền thống của Việt Nam. |
Số liệu thống kê chi tiết trong bảy tháng đầu năm thì kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang hầu hết các thị trường đều tăng so với cùng kỳ, một vài thị trường tăng mạnh trên 100% như Cuba 470,8%; Ấn Độ 156%; Hàn Quốc 144,2%; Thái Lan 131,1%; Trung Quốc 127,6%...
Tổng doanh thu từ những thị trường đang tăng trưởng mạnh này cách đây năm năm chiếm chưa đến 10% kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam, nay đã tăng lên gần 20%.
Cụ thể từ mức chỉ 1 – 2% cách đây năm năm, hiện thị trường mới cũng đã chiếm tỷ lệ 10% hàng xuất khẩu ở Việt Tiến. Ông Phan Văn Kiệt, từ kinh nghiệm thực tế ở Việt Tiến, cho biết: “Hàng dệt may Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn kỹ thuật xuất khẩu vào Mỹ, EU, Nhật Bản thì việc xuất sang các nước khác gần như không gặp nhiều khó khăn. Vấn đề chỉ còn ở sự thoả thuận giá cả và chọn những chủng loại phù hợp với chuyền sản xuất của nhà máy”.
Cơ hội đang tăng thêm, khi Việt Nam tiến vào thị trường chung châu Á 2015. Ông Lê Quang Hùng, tổng giám đốc Garmex Sài Gòn cho rằng, khi thuế suất bằng 0, hàng của các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan… dễ dàng vào Việt Nam, ngược lại hàng dệt may Việt Nam có thể phát triển ra toàn khu vực.
Thị trường nhỏ, chưa có những thương hiệu nổi tiếng, còn là cơ hội để ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu ODM – hình thức bán hàng may mặc xuất khẩu bao gồm cả thiết kế, hoặc phát triển mạng lưới kinh doanh và phân phối. Ông Lê Tiến Trường, phó tổng giám đốc tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết Vinatex đang đẩy mạnh xuất khẩu ODM. Cụ thể tỷ trọng sản phẩm ODM trong các đơn hàng dự kiến sẽ tăng khoảng 5% ngay trong năm 2011, tăng lên 15% vào năm 2015 và 20% năm 2020.
Theo SGTT
|