Sáng 5.10, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết đề án Quỹ bảo trì đường bộ (BTĐB) đã hoàn thành, đang trình Chính phủ.
Theo đề án, quỹ sẽ hình thành trên hai nguồn: ngân sách nhà nước (30% quỹ) và thu trên các phương tiện tham gia giao thông (70%). Tuy nhiên, quỹ chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu duy tu bảo dưỡng đường bộ.
|
Tai nạn giao thông sẽ giảm
''Để giảm tai nạn giao thông cần tinh thần trách nhiệm cao từ cảnh sát giao thông đến thanh tra giao thông. Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an xử lý nghiêm khắc những người thực thi công vụ mà vi phạm. Ngoài ra cần nâng cao ý thức người tham gia giao thông, tăng cường biện pháp xử lý hành chính, phạt mạnh cá nhân vi phạm. Tôi tin tưởng với các giải pháp đồng bộ và sự đồng thuận, tai nạn giao thông sẽ giảm'' - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng |
|
Mức cao nhất là 1,44 triệu đồng/tháng/ô tô
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trình Chính phủ hai phương án thu. Phương án 1, thu qua đầu phương tiện, theo đó, loại bỏ các trạm thu phí nhà nước hiện nay, các trạm thu phí BOT vẫn tồn tại (do quỹ chỉ phục vụ duy tu bảo dưỡng, trạm BOT thu phí phục vụ hoàn vốn của chủ đầu tư). Với ô tô, sẽ thu qua đăng kiểm hằng tháng, quý. Với xe máy thu qua bảo hiểm hoặc giao cho địa phương thu, nộp vào quỹ BTĐB của địa phương. Mức thu với ô tô chia làm 7 nhóm, thấp nhất 180.000 đồng/tháng, cao nhất 1.440.000 đồng/tháng. Đối với mô tô, xe gắn máy, được chia 4 nhóm, thấp nhất 80.000 đồng/năm, cao nhất 150.000 đồng/năm. Số phí thu được khoảng 6.000 tỉ đồng/năm.
Phương án 2, thu trực tiếp trên đầu xe ô tô (không thu phí với mô tô, xe gắn máy) và thu gián tiếp qua giá xăng. Ô tô chạy xăng thu trực tiếp như phương án 1. Mức thu trực tiếp trên đầu ô tô sử dụng diezel cao gấp 1,5 lần so với phương tiện có cùng nhóm tải trọng như phương án 1, tổng số phí thu được hơn 9.000 tỉ đồng, trong đó thu qua giá xăng (mức thu 1.000 đồng/lít là gần 3.000 tỉ đồng).
“Bộ GTVT kiến nghị thu theo phương án 1, đã được các bộ, ngành T.Ư đồng tình. Nếu được Chính phủ thông qua, sẽ thực hiện thu phí từ đầu năm 2012, hoặc chậm nhất không quá tháng 7.2012 sau khi hoàn thiện các phương thức thu”, ông Trường cho biết.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng với những tiêu cực hiện nay của cơ quan quản lý trong việc xử lý sai phạm và kiểm tra bảo hiểm, đăng kiểm chất lượng xe, rất khó đảm bảo tính minh bạch nếu thực hiện thu qua đăng kiểm (với ô tô) và bảo hiểm (với xe máy).
Cán bộ phải đi xe buýt 1 lần/tuần
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định rõ quyết tâm với đề án Hạn chế phương tiện cá nhân mà bộ này đang chủ trì soạn thảo. Đề án hạn chế phương tiện cá nhân sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận, dự kiến hoàn thành trong quý 4/2011, quý 1/2012 trình Chính phủ. Theo ông Thăng, để làm gương, ngành giao thông sẽ vận động toàn bộ cán bộ, từ bộ trưởng tới thứ trưởng, ít nhất phải dành 1 lần/tuần đi bằng phương tiện công cộng.
“Tôi đã đi xe buýt 2 lần, có hiện tượng này nọ như bỏ bến vào giờ cao điểm do quá đông, nhưng điều này xuất phát từ việc lái xe phải đáp ứng được thời gian và số chuyến. Sắp tới sẽ đề xuất thay đổi, chẳng hạn khoán 9 chuyến/ngày mới đủ sản lượng thì chỉ cần chạy đủ 6 chuyến coi như đảm bảo sản lượng ngày. Theo tôi, chất lượng xe buýt Hà Nội đáp ứng được nhu cầu”, ông Thăng nói. Bộ trưởng Thăng cũng cho rằng không thể chờ phát triển phương tiện công cộng rồi mới thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân, mà phải làm song song. Sắp tới, bộ sẽ tổ chức hội thảo về nâng cao chất lượng vận tải hành khách bằng xe buýt nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Đồng thuận với lộ trình giảm ùn tắc mà Hà Nội đang thực hiện qua phương án phân làn tại các tuyến phố lớn, theo ông Thăng, tai nạn do đâm vào các biển báo giữa đường “là lỗi của người tham gia giao thông. Nhưng ngành giao thông cũng phải xác định lại đặt các biển báo đã phù hợp chưa”.
Theo TNO