|
Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) vừa kiến nghị đặt thêm một trạm thu phí (TTP) dưới chân cầu Bình Triệu 1 (phía Q.Thủ Đức, song song với trạm hiện hữu dưới chân cầu Bình Triệu 2) nhằm thu phí hoàn vốn cho dự án (DA) BOT cầu đường Bình Triệu 2. Đề xuất này đang vấp phải nhiều lo ngại về tính hợp lý cũng như hợp pháp.
Kẹt xe và mất an toàn
Theo đúng quy hoạch, TTP mới sẽ được đặt trên QL 13, đoạn giữa cầu Đúc Nhỏ và cầu Ông Dầu (thuộc P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM). Tuy nhiên, do chưa nhận được mặt bằng nên CII đề xuất đặt trạm ngay dưới chân cầu Bình Triệu 1 để sớm thu được tiền.
Ông Lương Hoàng Trung - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho rằng khu vực ngã tư Bình Triệu vốn là “điểm nóng” về kẹt xe do nằm ở cửa ngõ phía đông TP và cắt ngang với tuyến đường sắt Bắc - Nam. Chưa kể, tình trạng ngập nước thường trực cộng với lượng xe khổng lồ ra vào Bến xe Miền Đông khiến giao thông tại đây thường xuyên hỗn loạn. Do đó, nếu đặt TTP mới theo đề xuất của CII sẽ khiến toàn bộ khu vực này rơi vào cảnh tắc nghẽn nghiêm trọng.
|
|
Dự án cầu đường Bình Triệu 2 chưa xây dựng xong lại dựng trạm thu phí chẳng khác nào ép người dân phải trả tiền cho một món hàng khiếm khuyết, không hoàn thiện |
|
|
Luật sư Thái Văn Chung |
|
Thạc sĩ Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM nhận xét, vị trí đặt TTP theo đề xuất của CII hoàn toàn không hợp lý. Vì thông thường, không ai bố trí TTP ngay dưới chân cầu vì sẽ tạo thêm một “nút thắt cổ chai” nguy hiểm cho giao thông. Ô tô, nhất là xe tải nặng đang đổ dốc phải dừng lại để đóng phí rất dễ gây ra sự cố nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là người điều khiển xe máy. Chưa kể, việc xe tải phải thường xuyên dừng đậu trên cầu để mua vé sẽ góp phần làm giảm tuổi thọ của cầu. Mặc dù trong đề xuất, CII cũng có phương án xả trạm khi có hiện tượng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, việc xả trạm sẽ được thực hiện và giám sát như thế nào khi mối quan tâm hàng đầu của DN thu phí là lợi nhuận, liệu họ có tích cực xả trạm vào giờ cao điểm khi đó là thời điểm mà lưu lượng xe đông nhất - đồng nghĩa với lợi nhuận cao nhất?
“Đáng lẽ theo thiết kế DA, phải hoàn thành cầu Bình Triệu 2 cùng với cầu vượt qua đoạn đường sắt cắt ngang thì mới được thu phí. Nhưng cầu vượt chưa có, ngay cả việc mở rộng đường cũng chưa xong mà đã thu phí. Điều này có thể dẫn đến những thảm họa khôn lường trong trường hợp tàu hỏa chạy qua khi đang có ùn tắc giao thông kéo dài tại ngã tư Bình Triệu. Không thể mạo hiểm sinh mạng con người vì lợi nhuận thu phí của DN” - ông Sanh nói.
Thu phí “lúa non”
DA BOT cầu đường Bình Triệu 2 khởi công từ năm 2001 song đến nay vẫn còn dang dở (mới hoàn thành 2/7 tiểu DA). Tuy vậy, từ năm 2004, chủ đầu tư cũ là Cienco 5 đã triển khai thu phí ở trạm cầu Bình Triệu 2 (đối với luồng xe từ các tỉnh lân cận vào TP.HCM) để hoàn vốn cho DA. Nay chủ đầu tư mới là CII lại tiếp tục đề xuất thu phí chiều còn lại dưới chân cầu Bình Triệu 1 để có kinh phí triển khai tiếp, dù DA mới chỉ hoàn thành thêm một tiểu DA là nâng cấp cầu Bình Triệu 1.
Luật sư Thái Văn Chung - Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích, bất kỳ sản phẩm nào muốn bán ra thị trường cũng phải được hoàn thiện và đảm bảo chất lượng trước khi đưa đến tay người sử dụng. DA cầu đường Bình Triệu 2 chưa xây dựng xong lại dựng TTP chẳng khác nào ép người dân phải trả tiền cho một món hàng khiếm khuyết, không hoàn thiện.
Vấn đề thu phí “lúa non” ở DA này, theo LS Chung, đã vi phạm Pháp lệnh Phí và lệ phí, trong đó quy định “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ” - tức có sử dụng dịch vụ thì mới phải trả phí. Đối với dịch vụ đường bộ là một loại dịch vụ đặc biệt, vì liên quan đến an toàn về sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân nên Nhà nước quy định tương đối chặt chẽ. Cụ thể, theo Thông tư 90 của Bộ Tài chính, chủ đầu tư đường bộ được quy định thu phí và tổ chức thu phí phải có đủ 4 điều kiện, trong đó có điều kiện “phải hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp theo DA được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm chất lượng phục vụ giao thông tốt hơn trước khi thu phí”. Như vậy, đề xuất đặt thêm TTP của CII có thể nói chưa hợp lý và hợp pháp.
Trước đó, UBND TP đã chính thức giao CII làm chủ đầu tư để khởi động lại DA cầu đường Bình Triệu 2, sau một thời gian dài gián đoạn. Theo điều chỉnh thiết kế mới của DA, dự kiến cần khoảng 3.500 tỉ đồng để hoàn thành 5/7 tiểu DA còn lại. Như vậy, tổng vốn đầu tư DA tăng gấp 10 lần so với mức cũ, chưa kể, chi phí giải phóng mặt bằng cần đến 5.800 tỉ đồng. UBND TP đã giao Sở GTVT, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính xem xét, tìm biện pháp tháo gỡ vấn đề nguồn vốn dành cho giải phóng mặt bằng. Riêng về chi phí xây dựng, CII kiến nghị đặt thêm một TTP tại cầu Bình Triệu 1 để thu phí luồng xe từ trung tâm TP.HCM đi Thủ Đức và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai nhằm lấy tiền triển khai tiếp DA. |
Theo TNO
|