Nhiều doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM cho rằng do có quá nhiều bất cập về cách tính tải trọng xe nên họ bị đẩy vào tình thế buộc phải “chung chi”...
“Xe đang đi giao hàng thì bị giữ lại vì cho rằng tải trọng vượt quá quy định. Nếu xe bị giữ thì mình sẽ không giao hàng kịp theo hợp đồng, thiệt hại có thể lên đến tiền tỉ. Vậy trước tình thế: để họ giữ xe rồi mới khiếu nại chuyện xử phạt không đúng hay là chung chi để họ cho xe đi, anh chọn cách nào?”, ông M. Giám đốc một công ty vận tải ở TP.HCM đặt câu hỏi sau khi nói về chuyện xe của công ty ông dù không vượt tải trọng nhưng vẫn thường xuyên bị “làm khó”.
Mập mờ tải trọng
Anh K. tài xế xe một công ty vận tải ở TP.HCM, cho biết, mới đây khi chở hàng (container) qua Trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai) thì bị lực lượng thanh tra giao thông lập biên bản xử phạt vì cho rằng xe vượt tải trọng cho phép.
“Theo quy định mới của Bộ GTVT, tổng trọng lượng cho phép đối với loại xe 6 trục là 48 tấn. Trong khi đó theo phiếu cân tại Trạm Dầu Giây, tải trọng toàn bộ xe của tôi chưa tới 42 tấn. Thế nhưng họ lại lấy Nghị định 34 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đường bộ để áp vào và cho rằng xe vượt tải trọng”, anh K, phản ánh.
Anh K. cho biết, dù không đồng ý với nội dung biên bản xử phạt của thanh tra nhưng do sợ trễ hẹn giao hàng nên anh phải gọi điện về cho sếp để tìm cách giải quyết.
Ông T. chủ xe conteiner bị “tạm giữ” nói trên lấp lửng câu trả lời khi tôi hỏi về chuyện giải quyết vụ việc: “Theo anh thì nên chọn cách để họ giữ xe gây thiệt hại hay tìm cách lo lót để họ cho xe đi?”.
80% buộc phải phạm luật
Lâu nay, khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là điểm nóng về tình trạng xe container “luỵ cầu”. Theo giải thích của cánh tài xế, từ “luỵ cầu” là nói bóng gió cho vui, còn nói thẳng ra là “luỵ” CSGT.
Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, xác nhận, khu vực ĐBSCL có nhiều tuyến đường với các biển báo cầu - đường bất hợp lý, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải.
Cụ thể, các tuyến đường như QL1A, QL80, QL91, TL30 … thì được cắm biển báo theo tải trọng trục (theo QĐ 60/2007/QĐ-BGTVT) trong khi đó các cây cầu trên các tuyến đường này lại cắm biển báo theo tải trọng cầu (tính theo tải trọng xe – Điều lệ về báo hiệu đường bộ VN).
Theo đó, xe chở container khi đi trên đường thì không quá tải trọng trục nhưng khi qua cầu thì bị … quá tải.
“Trước tình thế này mình phải cho xe chạy qua cầu, chấp nhận phạm luật. Nếu không thì phải hạ tải. Mà hàng trong container đã niêm phong, kẹp chì, muốn hạ tải phải mời hải quan đến chứng kiến, rắc rối nhiêu khê và tốn kém lắm. Vì thế chúng tôi buộc phải cho xe chạy qua cầu, nếu bị CSGT phát hiện lập biên bản thì tìm cách “khác” chứ biết tính sao”, chủ một doanh nghiệp vận tải có xe chạy tuyến TP.HCM – Đồng Tháp, phản ánh.
Trước tình trạng nhiều xe container rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” nói trên, trong năm 2009, Hiệp hội VTHH TP.HCM đã có văn bản “cầu cứu” Bộ GTVT, Bộ Công an.
Theo Hiệp hội VTHH TP.HCM, khu vực ĐBSCL có nhiều cây cầu chỉ cho phép xe từ 18-25 tấn, trong khi đó theo tiêu chuẩn quốc tế, một container có thể chứa từ 30,48 – 34,48 tấn hàng. Như vậy, nếu cộng với xác xe (11-14 tấn) và vỏ container (khoảng 4 tấn) thì có đến 80% xe chở container hiện nay phạm luật vì thường xuyên trong trạng thái quá tải.
Ai chịu thiệt?
Theo phản ánh của cánh tài xế, hiện nay, tình trạng “cầu – đường bất nhất” ở khu vực ĐBSCL vẫn chưa được giải quyết khiến họ lúc nào cũng “nơm nớp” canh chừng CSGT khi lưu thông qua khu vực này.
Đối với các đơn vị có xe bị lập biên bản vượt tải trọng ở Trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai) trong thời gian gần đây, sau khi khiếu nại thì Đội thanh tra trạm cân cho rằng những vấn đề liên quan đến Nghị định 03, việc giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Thanh tra đường bộ IV (Thanh tra Tổng cục Đường bộ VN).
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết, họ đã đến Ban Thanh tra đường bộ IV nhưng vẫn không được giải thích thoả đáng.
Về vấn đề này, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa (HHVTHH) TP.HCM, cho rằng, từ tháng 2/2011, theo Thông tư 03 của Bộ GTVT, tổng trọng lượng cho phép đối xe đầu kéo loại 6 trục là 48 tấn. Vì thế, xe 41 tấn nhưng bị Thanh tra giao thông lập biên bản xử phạt vượt quá tải trọng cho phép là không hợp lý.
Trong khi những bất cập về cách tính tải trọng “cầu – đường” vẫn chưa có hồi kết, nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết họ chấp nhận phải “đi đêm” mỗi khi bị xử phạt.
Tuy nhiên, họ không phải là người chịu thiệt trong vụ này. Ông M. giám đốc một công ty vận tải, nói thẳng: “Nếu vào thế phải chung chi thì chúng tôi cũng phải tăng giá thành vận chuyển lên, và dĩ diên giá thành sản phẩm cũng phải tăng lên. Hậu quả là người dân – người tiêu dùng phải chịu thiệt”.
Theo Vietnamnet