Nếu như những năm trước thị trường đồ gỗ trong nước phần lớn là hàng Trung Quốc, Malaysia... thì nay hàng Việt đã khẳng định vị thế trên sân nhà. Các doanh nghiệp cho rằng nếu biết liên kết chặt chẽ và có cách tiếp cận thị trường trong nước nghiêm túc, ngành đồ gỗ nội thất Việt sẽ chiếm lĩnh thị trường nội địa đang dần rộng mở.
Tăng từ 20% lên 40%
Bà L., quản lý một cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng nội thất trên đường Ngô Gia Tự (Q.10, TP.HCM), cho biết thời gian gần đây có rất nhiều doanh nghiệp trong nước đến chào hàng, mẫu mã cũng đa dạng, đặc biệt là những sản phẩm gỗ tự nhiên.
So với hai năm trước, sản phẩm nội thất ngoại nhập chủ yếu từ Trung Quốc chiếm phần lớn tại cửa hàng thì nay các mặt hàng nội thất như: giường tủ, bàn ghế, kệ bếp của các cơ sở trong nước chiếm gần 50%. Nếu so về sản phẩm gỗ tự nhiên, hàng ngoại nhập khó có thể cạnh tranh được.
Khảo sát tại các cửa hàng chuyên về nội thất trên đường Ngô Gia Tự, Ba Tháng Hai (Q.10), hay Cộng Hòa (Q.Tân Bình) cho thấy sự có mặt của các sản phẩm do doanh nghiệp VN sản xuất đang dần chiếm lĩnh thị trường.
Đặc biệt, tại các cửa hàng trên đường Cộng Hòa các sản phẩm nội thất do doanh nghiệp VN sản xuất chiếm lĩnh gần như 100%. Ông Quy, chủ cửa hàng nội thất trên đường Cộng Hòa, cho biết các sản phẩm bày bán tại khu vực này hầu hết từ gỗ tự nhiên được chạm trổ cầu kỳ, tinh vi.
Còn tại chuỗi cửa hàng chuyên bán hàng nội thất gia đình và văn phòng Home Mart của Công ty CP Tạ Gia, sản phẩm đồ gỗ nội địa đang dần thay thế hàng ngoại nhập. Ông Đào Công Phong, giám đốc chi nhánh công ty tại TP.HCM, cho biết những năm trước sản phẩm bày bán tại các phòng trưng bày, đại lý ở Hà Nội và TP.HCM của công ty đều là hàng ngoại nhập.
Tuy nhiên, mới đây công ty mở thêm hai phòng trưng bày tại Q.7 để bày bán các sản phẩm trong nước. Ông Phong thừa nhận tâm lý người tiêu dùng trong thời gian này rất quan tâm đến hàng Việt, đó là tiêu chí đầu tiên họ tìm hiểu và chọn mua sản phẩm.
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh - phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), sau hơn hai năm quay trở về nội địa, tỉ lệ sản phẩm nội thất của các doanh nghiệp VN đã tăng từ 20% lên 40%, hàng ngoại đã mất dần ưu thế.
Vẫn còn điểm yếu
Theo các doanh nghiệp đang “chinh chiến” tại thị trường nội, điểm yếu nhất của hàng nội thất VN là thương hiệu, chưa nhiều người tiêu dùng biết đến cho dù chất lượng sản phẩm khá tốt. Thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khi quay trở về nội địa đã tổ chức lại cơ cấu, đầu tư khâu thiết kế, phát triển sản phẩm riêng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước nhưng lại gặp khó khăn trong vấn đề phân phối, tiếp thị bán lẻ.
Bà Hồng Thu, phó tổng giám đốc Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành, cho biết doanh số khai thác thị trường nội địa (chiếm 30% tổng doanh thu) của công ty vẫn chủ yếu từ các công trình, dự án. Khó khăn trong đầu tư mẫu mã, xây dựng thương hiệu, chi phí mặt bằng đắt đỏ... là những trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp khi tham gia phân khúc bán lẻ sản phẩm.
Ông Dương Quốc Nam - giám đốc Công ty TNHH Hoàng Nam, chủ chuỗi siêu thị nội thất Phố Xinh - cho biết xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nội thất dù rất quan trọng nhưng không dễ thực hiện. Các doanh nghiệp VN có lợi thế lớn về việc nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thị trường, nhưng một yếu tố quan trọng khác là việc quan tâm đến các dịch vụ chăm sóc khách hàng, bảo hành sản phẩm vẫn còn rất kém.
Trong một hội thảo gần đây, các doanh nghiệp ngành đồ gỗ nội thất đã cùng nhau ngồi lại để tìm cách giải quyết đầu ra sản phẩm tại thị trường trong nước. Ý tưởng về ngôi nhà chung cho hàng nội thất Việt giống như ngành thời trang đã được nhen nhóm. Ở đó tập hợp tất cả thương hiệu Việt trong ngành nội thất từ bóng đèn đến tủ, bàn ghế, tủ bếp, drap... được trang trí như một ngôi nhà, giúp khách hàng có một không gian mua sắm trọn vẹn, tiết kiệm thời gian.
Theo TTO