Đà sụt giảm của xuất khẩu nông sản kéo dài nhiều tháng qua đã chặn đứng khi tháng 9 xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước được 2,39 tỉ đô la, tăng nhẹ so với 2,35 tỉ đô la của tháng 8 và góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm lên 20,45 tỉ đô la, tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý là đà sụt giảm của xuất khẩu nông sản đã được chặn lại nhờ xuất khẩu thủy sản và đồ gỗ tăng khá, tương ứng với 3 và 12%, trong khi đó, các mặt hàng nông sản chính vẫn tiếp tục sụt giảm tới 12% so với 9 tháng của năm ngoái.
Đồ gỗ, thủy sản thuận lợi
Theo báo cáo của Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được tải lên website của bộ này ngày 25-9 thì xuất khẩu đồ gỗ tháng 9 được 389 triệu đô la, nâng 9 tháng đầu năm nay lên 3,77 tỉ đô la, tăng 12% so với cùng thời gian này năm ngoái. Xem chi tiết báo cáo tại đây.
Quan sát của TBKTSG Online cho thấy, tuy không còn tăng trưởng xuất khẩu nóng như giai đoạn từ năm 2000-2010 nhưng từ đầu năm tới nay, đồ gỗ luôn là mặt hàng tăng trưởng ổn định ở mức 2 con số, bất chấp kinh tế thế giới khó khăn, hàng loạt mặt hàng nông sản khác sụt giảm.
Ngoại trừ thị trường Đức (giảm 15,1%) và Pháp (giảm 1,2%), xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang các thị trường tiêu thụ lớn hầu hết đều tăng trưởng mạnh, như Mỹ tăng 7,8%, Trung Quốc tăng 17,1%, Nhật Bản tăng 20,3%, và Hàn Quốc tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, cho biết đa phần các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ ở tỉnh đều "không lo thiếu đơn hàng với nhu cầu đến từ nhiều thị trường như Mỹ, EU, Nhật".
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 9 ước đạt 558 triệu đô la, tuy có giảm nhẹ so với tháng 8 nhưng giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt 4,61 tỉ đô la, tăng 3 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ vẫn duy trì là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường này đạt 873,76 triệu đô la, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Trung Quốc, Canada và Thái Lan cũng có sự tăng trưởng đáng kể với mức tăng tương ứng đạt 53%; 13,8%, và 13% so với cùng kỳ.
Việc ITC hủy kiện chống trợ cấp tôm Việt Nam hôm 21-9 cùng với trước đó Bộ Thương mại Mỹ công bố lần rà soát hành chính cuối cùng của đợt đợt xem xét hành chính lần 7 (POR7) giai đoạn 1-2-2011 đến 31-1-2012 là tất cả lô hàng xuất khẩu tôm của doanh nghiệp bị đơn bắt buộc và tự nguyện của Việt nam vào thị trường Mỹ ở giai đoạn này đều bằng 0%, được xem là cơ hội đối với xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường này.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết mục tiêu xuất khẩu tôm cả năm 2013 sẽ đạt 2,5 - 2,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 12-16% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 100 - 200 triệu đô la Mỹ so với dự báo được đưa ra đầu năm nay.
Khó khăn với gạo, cà phê, cao su
Trong khi đó, các mặt hàng nông sản chính như gạo, cà phê và cao su trong 9 tháng qua vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9 ước được 471 nghìn tấn, với giá trị 214 triệu đô la, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm lên 5,35 triệu tấn với giá trị 2,35 tỉ đô la, giảm 14,3% về khối lượng và giảm 16,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.
Giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm, giá trung bình 8 tháng đầu năm 2013 đạt 438,55 đô la/tấn, giảm 14,36 đô la so với cùng kỳ. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Khối lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh, đạt trên 1,62 triệu tấn với giá trị đạt 671,61 triệu đô la, chiếm 31,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Khả năng xuất khẩu gạo cả năm nay sụt giảm cả về khối lượng và kim ngạch rất cao khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam mới đây dự báo giảm khối lượng xuất khẩu cả năm từ 7,5 triệu tấn xuống 7,2 triệu tấn trong bối cảnh giá gạo thế giới khó hồi phục từ nay tới cuối năm.
Trong khi giá cà phê xuất khẩu ra thị trường thế giới từ đầu năm tới nay không giảm, bình quân 2.145 đô la/tấn trong 8 tháng đầu năm, tăng nhẹ 1,19% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng sụt giảm mạnh khối lượng xuất khẩu là nguyên nhân chính dẫn tới kim ngạch xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu năm giảm 22,5%, xuống còn 2,21 tỉ đô la, còn khối lượng thì giảm tới 23,1%, còn 1,03 triệu tấn.
Tình hình xuất khẩu cà phê dự báo còn khó khăn hơn nữa từ nay tới cuối năm khi mà tổng số nợ của các doanh nghiệp trong ngành cà phê lên đến 8.000 tỉ đồng và các doanh nghiệp than thở sẽ thiếu vốn mua cà phê niên vụ mới bắt đầu vào ngày 1-10 năm nay.
Giảm giá xuất khẩu mạnh nhất trong nhóm hàng nông sản có kim ngạch lớn thuộc về cao su. Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 9 đạt 100 nghìn tấn với giá trị 223 triệu đô la, còn 9 tháng đầu năm đạt 710 nghìn tấn với giá trị đạt trên 1,68 tỉ đô la, tuy giảm chỉ 1,2% về khối lượng nhưng kim ngạch lại tụt giảm tới 17,8% khi mà đơn giá xuất khẩu cao su bình quân 8 tháng giảm tới 17,68% so với cùng kỳ.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online