|
Việt Nam được thế giới biết đến là nước sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản với số lượng lớn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, theo đánh giá của Bộ Công thương, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, như lúa gạo, cà-phê, ca-cao và nhất là trong lĩnh vực thủy sản đang sụt giảm một cách đáng lo ngại.
Việc sụt giảm có nhiều nguyên nhân song chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu của thị trường không tăng; sản xuất trong nước luôn rơi vào thế bị động; dẫn đến những chỉ tiêu về tiêu chuẩn nông sản luôn thấp hơn so với yêu cầu của đối tác. Những điều đó đã gây áp lực lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản và kết quả là ảnh hưởng không nhỏ đến tổng kim ngạch xuất khẩu nói chung.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả xuất khẩu gạo tám tháng đầu năm đã không đạt kế hoạch đề ra, thấp hơn dự kiến gần 130 nghìn tấn. Cụ thể, đến cuối tháng 8, cả nước xuất khẩu được 4,678 triệu tấn gạo, trị giá xuất khẩu không bao gồm các loại phí (FOB) 2,005 tỷ USD, giá bình quân FOB 428,62 USD/tấn. So cùng kỳ năm 2012, số lượng giảm 7,86%, trị giá FOB giảm 10,98% và giá bình quân giảm 15,04 USD/tấn. VFA cũng dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp sẽ còn nhiều khó khăn. Trước mắt, Thái-lan vừa quyết định hạ giá bán gạo tồn kho bằng mọi cách, Ấn Ðộ đang chuẩn bị thu hoạch vụ chính, chưa kể Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong năm 2013 nhưng nay tiến độ nhập khẩu đang chậm lại do nước này đến vụ thu hoạch.
Cuộc cạnh tranh về giá gạo trên thị trường quốc tế không chỉ tác động mạnh đến thu nhập của người nông dân mà còn khiến cho doanh nghiệp Việt Nam thua thiệt đủ đường. Thực tế, để gỡ khó cho xuất khẩu hàng nông sản nói chung và lúa, gạo nói riêng, đề xuất "phao cứu trợ" tín dụng đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực đã được hình thành thông qua các gói mua tạm trữ. Bộ Công thương cũng đưa ra giải pháp kiện toàn, ổn định số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, bảo đảm tối đa 150 đầu mối đến năm 2015.
Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp mang tính tình thế, về lâu dài, các nhà khoa học cho rằng, việc cần làm hiện nay là tập trung tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi thông qua việc linh hoạt trong sử dụng đất nông nghiệp, có thể giảm hai triệu ha đất trồng lúa để chuyển sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, như hoa, cây cảnh, nuôi cá..., giúp nông dân có lãi thật và được hưởng đúng giá trị do mình làm ra. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu hàng nông sản, ngoài việc quan tâm xúc tiến, tìm kiếm thị trường ngoài nước cần khai thông thị trường trong nước; chú trọng đến khâu chế biến, bảo quản, đóng gói thành phẩm; nỗ lực đưa khoa học kỹ thuật hỗ trợ đắc lực sản xuất thông qua các đơn đặt hàng trực tiếp đến nhà khoa học. Ðó chính là mấu chốt để nâng cao chất lượng hàng nông sản hiện nay.
Theo Báo Nhân Dân
|