Cải thiện chính sách và tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã làm thay đổi cơ bản tương quan cung-cầu. Yếu tố này đã thúc đẩy ngành nông nghiệp chuyển hướng mạnh mẽ và trở thành một trong những ngành phát triển theo định hướng thị trường. Nông nghiệp tạo ra nhiều cơ hội, nhất là cho các nước đang phát triển.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sản xuất nông nghiệp, về trung hạn, có xu hướng phát triển chậm dần do tốc độ tăng về diện tích và sản lượng chậm lại. Vì vậy, rất cần có các biện pháp để hạn chế sự thất thoát và thải loại lương thực thực phẩm nhằm đáp ứng các nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên.
Một số thông điệp chính đối với sản xuất nông nghiệp
Kinh tế vĩ mô bất ổn : Mặc dù đã có sự phục hồi nhẹ từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường nông sản quốc tế tiếp tục cho thấy sự tác động của kinh tế toàn cầu với hai tốc độ phát triển khác nhau: sự phục hồi yếu ớt ở các nước đã phát triển và sự tăng trưởng khá mạnh ở các nước đang phát triển. Giá nhiên liệu tăng và sức tiêu thụ không ổn định cũng đóng vai trò quan trọng trong việc dự báo giá cả nông sản. Cũng theo dự đoán, đồng đôla Mỹ mất giá sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà XK, nhưng lại làm tăng sức mua của các nhà XK.
Trong tương lai gần, giá cả hàng nông sản sẽ thay đổi: Giá hàng hóa đang ở mức cao so với từ trước đến nay. Trong những năm đầu của giai đoạn 2013-2022, giá cả sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi dự kiến sẽ rất khác nhau, phản ánh các tình trạng cung cấp khác nhau. Dự đoán, hầu hết sản phẩm trồng trọt sẽ giảm, tương ứng với sự phục hồi trong sản xuất, trong khi đó các nguồn hàng dự trữ từ ngành chăn nuôi toàn cầu giảm, nguồn cung hạn chế, vì vậy giá cả các loại thịt vẫn giữ ở mức cao.
Giá cả nông sản sẽ mạnh hơn về trung hạn: Giá cả các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi dự kiến sẽ tăng trong thập kỷ tới do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân, như mức tăng trưởng sản lượng giảm và nhu cầu tăng lên, trong đó có cả nhu cầu đối với nhiên liệu sinh học, và môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi. Giá cả của các loại thịt, thủy sản và nhiên liệu sinh học dự kiến sẽ tăng mạnh hơn so với các nông sản cơ bản khác.
Lạm phát sẽ đẩy giá cả lên mức cao: Trong thập kỷ tới, giá trung bình của các sản phẩm từ trồng trọt như ngũ cốc, hạt chứa dầu, đường và bông dự kiến ở các thời điểm sẽ giữ mức tương đối ổn định so với thập kỷ trước, kể cả trong các năm từ 2007 đến nay giá cả đạt mức cao kỷ lục. Mức giá trung bình trong giai đoạn 2013-2022 được dự kiến sẽ cao hơn mức giá trung bình trong giai đoạn 2003-2012 đối với phần lớn các loại hàng hóa được nêu trong tài liệu này.
Lạm phát giá thực phẩm thấp hơn: Những bằng chứng hiện tại cho thấy lạm phát giá thực phẩm tiêu dùng đang gây khó khăn ở hầu hết các nước do giá cả các loại lúa gạo, hạt có dầu, đường và các sản phẩm khác thông qua chuỗi thực phẩm đã xuống thấp hơn, góp phần làm lạm phát “lõi” giảm xuống. Tuy nhiên, với phần chi tiêu dành cho thực phẩm chiếm tới 20-50% hoặc cao hơn trong tổng ngân quỹ của các hộ gia đình ở nhiều nước đang phát triển nên vấn đề ATTP là mối quan tâm chính khi mua thực phẩm.
Tăng trưởng sản lượng chậm hơn: Sản lượng hàng hóa nông nghiệp toàn cầu được dự đoán tăng trung bình 1,5% hằng năm, thấp hơn so với 2,1% hằng năm trong thập kỷ trước. Sự tăng trưởng thấp hơn có thể được thể hiện ở sản lượng sản xuất của tất cả các ngành trồng trọt và chăn nuôi. Những xu hướng này phản ánh giá thành sản xuất tăng, sự căng thẳng ngày càng lớn về nguồn lợi và áp lực môi trường ngày càng cao. Những yếu tố này sẽ cản trở khả năng đáp ứng của nguồn cung ở hầu hết các khu vực sản xuất.
Các nước phát triển gia tăng sản lượng: Theo dự báo, các nền kinh tế đang nổi lên sẽ đạt mức tăng trưởng sản lượng cao hơn, vì các nước này đã đầu tư vào các ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và có nhiều công nghệ có tiềm năng xóa bỏ sự cách biệt về sản lượng với các nền kinh tế tiên tiến, mặc dù sản lượng hay nguồn cung giữa các nước có thể chênh lệch nhiều. Tỷ trọng sản lượng từ các nước đang phát triển tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2013-2022.
Nhu cầu tăng nhanh: Tiêu thụ tất cả các loại sản phẩm được nêu ở đây sẽ tăng tại các nước đang phát triển, mặc dù với tốc độ chậm hơn, trong đó động lực chính là dân số gia tăng, nguồn thu nhập tăng, quá trình đô thị hóa và chế độ ăn uống thay đổi. Tiêu thụ trên đầu người dự đoán sẽ tăng nhanh nhất ở khu vực Đông Âu, Trung Á, tiếp theo là Mỹ Latinh và nhiều khu vực khác của Châu Á.
Thương mại nông sản tiếp tục tăng: Các nền kinh tế mới nổi sẽ nắm giữ phần lớn tỷ trọng tăng trưởng trong thương mại, trong đó chiếm phần chủ yếu trong xuất khẩu lúa, gạo, hạt có dầu, dầu thực vật, đường, thịt bò, gia cầm và thủy sản. Tỷ trọng thương mại của khu vực OECD (34 quốc gia thành viên có thu nhập cao) tiếp tục giảm nhưng các quốc gia này vẫn giữ vai trò là những nhà XK lớn về lúa mì, bông, thịt lợn và cừu cũng hầu hết các sản phẩm sữa.
Triển vọng bất ổn: Sự thiếu hụt sản lượng, giá cả biến động và gián đoạn thương mại vẫn là những mối đe dọa đối với an ninh lương thực toàn cầu. Chừng nào nguồn dự trữ lương thực thực phẩm ở các nước sản xuất và tiêu thụ chính vẫn thấp thì những rủi ro về biến động giá cả còn tiếp diễn. Hạn hán từng xảy ra trên diện rộng trong năm 2012 ở Mỹ và ở Khối thịnh vượng chung các quốc gia độc lập (CIS), các nước trong tốp hàng đầu có nguồn lợi thấp, có thể đẩy giá các sản phẩm trồng trọt tăng thêm 15-40%.
Một công trình phân tích thống kê đã quy chiếu các hình thái bất ổn trong quá khứ về mô hình vận động thích hợp theo chu kỳ cơ bản, cho thấy sự biến động về sản lượng trồng trọt đã gây tác động lớn nhất đến giá cả thế giới của các sản phẩm lúa mì và lúa, hạt có dầu, trong đó mặt hàng gạo có vẻ ít nhạy cảm hơn. Giá thịt và các loại sản phẩm sữa, nhiên liệu sinh học bị ảnh hưởng mạnh hơn trước các giả định về kinh tế vĩ mô, như sự tăng trưởng kinh tế và tỷ giá hối đoái. Giá cả năng lượng và các nguồn lợi bất ổn khác, ảnh hưởng đến cả các thị trường nhiên liệu sinh học và giá thành đầu vào.
Những điểm đáng chú ý về mặt hàng
Tỷ lệ tương đối thấp giữa nguồn dự trữ và tiêu dùng đã gây nên mối quan tâm lớn về sự mong manh của các thị trường ngũ cốc toàn cầu. Tuy vậy, sản lượng ngũ cốc dự kiến sẽ tăng 1,4%/năm với 57% tổng mức tăng trưởng xuất phát từ các nước đang phát triển. Thái Lan được dự kiến là nước XK hàng đầu về gạo, sau đó đến Việt Nam, trong khi Mỹ dự báo tiếp tục là nhà XK ưu thế về lúa mì.
Thủy sản: Sản lượng ngành khai thác thủy sản được dự kiến đến năm 2022 chỉ tăng 5%, trong khi đó sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 35%, mặc dù tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại do chi phí thức ăn luôn ở mức cao và ngày càng bị hạn chế về diện tích dành cho sản xuất. Đến năm 2015, sản lượng nuôi trồng thủy sản dự kiến sẽ vượt qua sản lượng đánh bắt thủy sản và trở thành nguồn cung cấp chính phục vụ tiêu dùng của con người.
Trung Quốc tiếp tục giữ vai trò hàng đầu về sản lượng thủy sản toàn cầu nhờ sản lượng nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng, mặc dù chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng trong thập kỷ trước. Dự đoán vào năm 2022, Trung Quốc sẽ chiếm 63% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu và giữ vững vị trí là nhà XK thủy sản hàng đầu thế giới.
Hạt có dầu: Sản lượng hạt có dầu sẽ tăng nhanh hơn sản lượng ngũ cốc, chủ yếu là do đạt năng suất cao. Dầu cọ sẽ tăng song song với các loại dầu thực vật khác và giữ vững thị phần ở mức chiếm 34% tổng sản lượng dầu thực vật thế giới trong giai đoạn 2013-2022.
Đường: Sản lượng đường sẽ tăng khoảng 2%/năm, chủ yếu là nhờ sản lượng đường mía của các nước sản xuất hàng đầu là Braxin và Ấn Độ. Các nước đang phát triển sẽ tiếp tục chiếm ưu thế về sử dụng đường trên thế giới và dự đoán sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh nhất về tiêu thụ. Braxin sẽ là nước XK hàng đầu, chiếm khoảng 50% tổng thương mại đường thế giới.
Bông vải: Bông sẽ tiếp tục mất thị phần cho sợ nhân tạo. Sản lượng bông của Trung Quốc dự kiến giảm 17% trong khi ở Ấn Độ dự kiến tăng 25%, đưa nước này lên vị trí nhà sản xuất bông lớn nhất thế giới.
Ethanol: Sản xuất ethanol dự kiến sẽ tăng 67% trong vòng 10 năm tới, trong đó diesel sinh học tăng mạnh hơn tất cả, mặc dù sản phẩm này có điểm xuất phát cơ bản ở mức thấp. Đến năm 2022, sản xuất nhiên liệu sinh học dự đoán sẽ tiêu thụ một lượng lớn sản lượng đường mía thế giới (28%), dầu thực vật (15%) và hạt ngũ cốc (12%).
Thịt các loại: Theo dự đoán, các nước đang phát triển sẽ chiếm tới 80% tổng mức tăng trưởng về sản lượng thịt toàn cầu. Mức tiêu thụ thịt trên đầu người sẽ tăng trưởng chậm lại trong thập kỷ tới vì các nền kinh tế lớn đã tiến tới mức của các nước phát triển, đồng thời giá gia cầm sẽ bớt đắt đỏ hơn và trở thành sự lựa chọn phổ biến nhất, chiếm khoảng 50% tổng mức tăng về tiêu thụ các loại thịt.
Các sản phẩm sữa: Sản lượng sữa thế giới dự kiến sẽ tăng với tốc độ chậm hơn trong thập kỷ tới do các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sữa phụ thuộc vào nguồn thức ăn, họ đang phải vật lộn với giá thành thức ăn cao. Bên cạnh đó, hệ thống chăn nuôi gia súc ăn cỏ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh về đất đai và thiếu hụt nguồn nước.
Theo dự kiến, trong thập kỷ tới các nước đang phát triển sẽ sản xuất ra 74% tổng sản lượng sữa trên toàn thế giới, chỉ riêng Ấn Độ và Trung Quốc đã chiếm đến 38% tổng lượng tăng. Tiêu thụ toàn cầu các sản phẩm sữa tại các nước đang phát triển được dự đoán sẽ tăng mạnh hơn so với tốc độ tăng về sản lượng thế giới với nguồn XK cao hơn từ Mỹ, EU, New Zealand, Australia và Argentina.
Theo vinanet