|
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo được 7 triệu tấn, tăng gần 1,2 triệu tấn so với cùng kỳ. Trên thực tế đã xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo, đạt trị giá (FOB) trên 3 tỉ USD, so với cùng kỳ tăng gần 7,9% về lượng và 23% về giá trị. Giá xuất bình quân trên 482 USD/tấn, tăng gần 59,5 USD/tấn.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết từ nay đến cuối năm chúng ta sẽ tiếp tục xuất, nếu còn gạo và có giá tốt. Cũng theo ông Bảy, giá lúa 10 tháng đầu năm nay đạt mức cao nhất trong 3 năm gần đây. Nếu chỉ tính 9 tháng đầu năm thì giá lúa mà các công ty thu mua bình quân dao động từ 6.100 - 6.200 đồng/kg. Dự báo từ nay đến cuối vụ đông xuân giá lúa vẫn sẽ duy trì ở mức cao.
|
Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất lúa năm 2011, tại Hậu Giang. Số liệu thống kê của Cục Trồng trọt cho biết: Tổng diện tích sản xuất lúa trong toàn vùng năm nay đạt trên 4,5 triệu ha, tăng gần 135 ha so với năm 2010. Năng suất lúa bình quân 5,514 tấn/ha, tăng 125 kg/ha so với cùng kỳ. Sản lượng lúa đạt gần 25 triệu tấn, tăng gần 1,3 triệu tấn so với năm 2010. Còn số liệu báo cáo từ các sở NN-PTNT cung cấp, sản lượng lúa tăng đến trên 1,7 triệu tấn. |
|
|
Điều đặc biệt trong việc xuất khẩu gạo năm nay là lượng gạo thơm xuất khẩu đạt khá cao với số lượng gần 370.000 tấn và dự kiến sẽ đạt 400.000 tấn trong cả năm. Dự kiến số lượng này sẽ tăng lên 500.000 tấn vào năm 2012. “Do đó, trong vụ đông xuân tới, nông dân nên sản xuất lúa thơm để phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên không nên sản xuất lúa thơm trong vụ hè thu vì chất lượng thấp”, ông Bảy cũng khuyến cáo. Mặt hàng gạo thơm của chúng ta đang cạnh tranh quyết liệt với gạo thơm Thái ở Hồng Kông và Trung Quốc nhờ chất lượng từng bước được nâng cao và giá cả hợp lý.
Trong năm 2012, VFA dự kiến xuất khẩu từ 6,5 - 7 triệu tấn gạo. Trước chính sách thu mua và xuất khẩu lúa gạo của Thái Lan, có nhiều ý kiến cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam vươn lên dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo. VFA dự báo, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới có nhiều tín hiệu khả quan vì các thị trường truyền thống như: Philippines, Indonesia… vẫn có nhu cầu. Tuy nhiên, thị trường gạo thế giới sẽ diễn biến phức tạp vì thương mại toàn cầu được các tổ chức thế giới dự báo giảm. Bên cạnh đó, Ấn Độ đang được mùa nên nguồn cung toàn cầu sẽ tăng. VFA rất lo ngại vì Ấn Độ xuất khẩu gạo trắng vào các thị trường bình dân và có giá trung bình thấp hơn gạo Việt Nam khoảng 100 USD. Hiện nay, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm đến 24% trong năm 2011 vì sự cạnh tranh gay gắt của Ấn Độ.
Một khó khăn khác là việc xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán trong thời gian tới. Theo ông Bảy, đã có 140 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu lúa gạo được cấp chứng nhận theo Nghị định 109 của chính phủ. Trong số này có 4 doanh nghiệp nước ngoài, 70 doanh nghiệp thuê mướn cơ sở vật chất, kho bãi hoặc chưa từng kinh doanh lúa gạo. Con số này có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. “Do đó, Bộ Công thương cần có giải pháp kỹ thuật để hạn chế việc phát triển ồ ạt doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu gạo”, ông Bảy kiến nghị.
Theo TNO
|