|
Các địa phương thực hiện chính sách “xếp gạch giữ chỗ”. Cả nước có 63 tỉnh, thành là 63 nền kinh tế, tỉnh nào cũng đưa ra mô hình có đầy đủ các khu sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, khu du lịch, sân gôn, đô thị cao cấp... Vô hình trung tỉnh nào cũng trọng điểm.
Đó là những nhận xét của các chuyên gia kinh tế tại buổi hội thảo “Đổi mới thể chế, cơ chế và những giải pháp chấn chỉnh, hoàn thiện, tái cấu trúc lĩnh vực đầu tư công trong một vài năm tới” diễn ra tại Hà Nội, ngày 27/10.
Đầu tư dàn trải - bệnh kinh niên
Giai đoạn 2006 - 2010, đầu tư công của cả nước 739 nghìn tỉ đồng, khoảng trên 24% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Đầu tư công chủ yếu nhằm vào phát triển cơ sở hạ tầng. Khoảng 40% tổng số vốn đầu tư trong 10 năm qua được dùng để phát triển kết cấu hạ tầng.
Năm 2000, tỉ lệ vốn phân bổ giữa Nhà nước và địa phương duy trì ở mức 60% và 40%, nhưng từ năm 2002 trở lại đây, tỉ lệ này được duy trì ở mức 50%:50%.
Hiện nay, cả nước có 266 cảng biển (20 cảng quốc tế), 22 sân bay (8 sân bay quốc tế), 15 khu kinh tế, 28 khu kinh tế cửa khẩu, 260 khu CN, 650 cụm công nghiệp.
Việc lẫn lộn địa giới hành chính với không gian kinh tế , đầu tư theo phong trào nên các tỉnh có cơ cấu kinh tế và đầu tư tương tự nhau, không dựa trên đặc điểm và lợi thế của riêng mình.
“Bức tranh biếm họa với 9 khu qui hoạch mà tỉnh nào cũng vẽ ra giống nhau nhưng trên thực tế nó là hiện tượng thật của cả nước trải dài từ Bắc vào Nam. Cơ chế Nhà nước “thoáng” đã rót 3000 – 4000 tỉ đồng cho mỗi địa phương để mở ra những đại công trường.
Cụ thể: đại công trường Hà Giang đã thực hiện 1901 công trình XDCB với tổng vốn dự toán được duyệt 3.308 tỉ đồng. Trong đó, chỉ có 1/2 số công trình đảm bảo chất lượng, hàng trăm công trình khác đang dở dang. Gần 1.800 tỉ đồng nợ XDCB, hàng loạt công ty phá sản, đây chính là hậu quả của tham vọng nhanh, không căn cứ trên thực lực của mình” – TS Vũ Tiến Anh, Viện Kinh tế Việt Nam lấy ví dụ sinh động.
Tư duy “đẻ” ra khuyết tật
Tỉ lệ lấp đầy diện tích các KCN hiện đạt 50% – 60%. Như vậy, cần ít nhất 10 -15 năm nữa và số vốn đầu tư ít nhất 50 tỉ USD để lấp đầy diện tích hiện có. Đối với 15 khu kinh tế ven biển phải cần đến 2.000 tỉ USD mới lấp đầy (bằng toàn bộ đầu tư cả Nhà nước trong 50 năm nữa).
Cảng biển của các tỉnh đang là vấn đề nhức nhối, khi khu vực miền Trung, trung bình 30 – 40 KM có 1 cảng. Cảng nào cũng được xác định là cảng nước sâu, nhưng chỉ đón được 30.000 tấn hàng hóa. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: “Sau cảng Vân Phong, số phận các cảng nước sâu khác sẽ ra sao, khi tiền đầu tư đã và đang được đổ ra?”.
Theo nguyên Phó Thủ Tướng, Vũ Khoan: “Chính tư duy đẻ ra khuyết tật. Tư duy nặng về mô hình tăng trưởng kinh tế “nóng” của các tỉnh đã dẫn tới hệ quả nghiêm trọng ngày hôm nay. Chúng ta đang nói lại câu chuyện trước kia của nước Nga, với nền kinh tế nặng cơ chế xin – cho, quan liêu, bao cấp. Cần thiết phải thay đổi tư duy nhanh chóng, chuyển mạnh lượng sang chất”
Theo Dân Trí
|