|
Theo mục tiêu của NHNN thì đến hết năm 2011, tỉ giá USD sẽ không tăng quá 1%. Trong khi nhiều chuyên gia lo ngại khó kiềm giữ được mục tiêu này thì cũng có không ít ý kiến khẳng định VN hoàn toàn có đủ khả năng làm được điều đó.
Tuy nhiên, vấn đề là những biện pháp đã ban hành ra cần được thực hiện mạnh tay và đồng bộ.
Dư địa còn quá ít
Trong suốt thời gian qua, vấn đề tỉ giá, giá USD trong và ngoài NH, vấn đề áp lực tỉ giá và nguồn cung USD những tháng cuối năm luôn được quan tâm đặc biệt.
Sự quan tâm này là hoàn toàn có cơ sở khi mà NHNN từng cam kết không để cho tỉ giá USD tăng quá 1%; thế nhưng thời gian qua tỉ giá này lại tăng liên tục cả trong và ngoài NH – thậm chí nhiều chuyên gia cho rằng trong hệ thống NH còn nóng hơn. Cụ thể chỉ trong tháng 10.2011, tỉ giá USD đã tăng 14 lần. Kết thúc tháng 10.2011, tỉ giá liên ngân hàng đạt 20.803 đồng/USD. Theo thống kê thì từ ngày 5.10 đến hết tháng 10.2011, tỉ giá đã tăng tổng cộng 175 đồng/USD. Sau lần này, tỉ giá chính thức đã tăng gần 0,85%. Như vậy có nghĩa là dư địa chỉ còn 0,15% - tương ứng với 31 đồng nữa sẽ tiến đến mốc tăng 1% như tuyên bố của Thống đốc NHNN.
Cùng với đà điều chỉnh tỉ giá, giá USD niêm yết trong ngân hàng cũng đã chính thức vượt 21.000 đồng/USD. Vietcombank và Vietinbank những ngày cuối tháng 10.2011 công bố thu gom ở mức 21.005 đồng/USD, bán ra 21.011 đồng/USD. Mặc dù đến ngày kết thúc tháng 10.2011, tỉ giá thực trong ngân hàng đã hạ nhiệt, song vẫn ở mức cao. Trong khi đó ở ngoài thị trường tự do, diễn biến dù không nóng nhưng tỉ giá cũng đã nâng lên đáng kể. Mức mua bán được cho là ở mức 21.500 - 21.600 đồng/USD chiều mua vào và bán ra.
Nhìn vào cục diện này thì không ít những băn khoăn lo ngại về khả năng phá vỡ “khung tỉ giá 1%” như NHNN đã từng công bố. Lý do có thể kể ra đây khá nhiều, trong đó áp lực chính vẫn là nhu cầu ngoại tệ của các DN thường tăng cao vào những tháng cuối năm. Đây là một quy luật từ lâu mà nền kinh tế VN luôn vận động như vậy và tạo nên những áp lực về tỉ giá. Bên cạnh đó, một lý do khác khiến các chuyên gia lo ngại là chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, tỉ giá USD đã tăng mạnh khiến dư địa “tỉ giá tăng 1%” như NHNN công bố trước đây thì đến nay chỉ còn khoảng 0,15. Đây thực sự là tỉ lệ đáng ngại bởi cũng phải còn tới 2 tháng nữa mới hết năm, trong khi đây lại mới là thời điểm áp lực căng thẳng nhất.
Kiềm chế thế nào?
Trên thực tế thì không phải cho đến gần đây, diễn biến tỉ giá USD cũng như những biện pháp kiềm chế, xử lý mới được thực hiện. Ngay từ những tháng đầu năm, VN đã rất quyết liệt trong công tác quản lý và kiểm soát, kiềm chế nhập siêu, đẩy mạnh xuất khẩu để có thể đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có vấn đề tỉ giá USD. Nhưng đặc biệt thời gian gần đây, vấn đề này càng được thực hiện quyết liệt với những biện pháp mạnh tay từ NHNN. Cụ thể là vào tháng 3.2011, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ thị trường USD tự do, NHNN và các cơ quan chức năng đã vào cuộc theo hướng xử lý kiên quyết và nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức vi phạm.
Tiếp đó trong thời gian cao điểm vừa qua, NHNN có văn bản số yêu cầu các tổ chức tín dụng và chi nhánh NH nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối báo cáo và đăng ký nhu cầu mua ngoại tệ. Trong đó có quy định các tổ chức tín dụng và chi nhánh NH nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối báo cáo chi tiết doanh số giao dịch ngoại tệ với khách hàng, doanh số giao dịch ngoại tệ trên thị trường liên NH và trạng thái ngoại tệ cuối ngày; đăng ký lượng ngoại tệ cần mua từ NHNN và dự báo nhu cầu ngoại tệ trong thời gian hai tuần tới. Theo đánh giá của ông Cao Sỹ Kiêm - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia - thì đây là một biện pháp đúng đắn trong việc xử lý, giải quyết vấn đề cung - cầu ngoại tệ vào những tháng cuối năm một cách tốt hơn. Ông Kiêm cho rằng, đó là cách để đảm bảo độ an toàn và khả năng điều hành của Nhà nước bằng biện pháp nắm được nguồn ngoại tệ nằm ở đâu, nhiều ít thế nào, khai thác ra sao...
Về câu hỏi trước thách thức về áp lực tỉ giá những tháng cuối năm, liệu có những cơ sở nào để thực hiện? Ông Kiêm khẳng định NHNN cũng như các cơ quan quản lý đã tuyên bố và phải dứt khoát và quyết tâm làm cho bằng được. Đúng là cung cầu thực tế là có khó khăn và thách thức lớn, nhưng hiện nay chúng ta có đủ những dữ kiện để làm được, ổn định được. Đầu tiên có thể kể đến là hoạt động xuất khẩu năm nay chúng ta tăng tới 30%. Đây là nguồn ngoại tệ đáng kể. Bên cạnh đó, vấn đề kiềm chế nhập siêu cũng đã được thực hiện đáng kể, cán cân thanh toán cũng được đảm bảo. Đặc biệt là khả năng dự trữ của chúng ta đã tốt hơn và cải thiện hơn rất nhiều. NHNN và những đơn vị quản lý cho thấy hiện nay nguồn ngoại tệ mà NHNN nắm được cũng như nguồn kiều hối... giúp chúng ta hoàn toàn có thể đầy đủ các điều kiện để giữ.
Tuy nhiên, theo ông Kiêm thì dù đã có những cơ sở, nhưng phải làm rất kiên quyết và đồng bộ thì mới có thể giữ được. Trong đó, biện pháp được cho là quyết liệt nhất chính là việc ban chế tài xử lý việc niêm yết giá quảng cáo hàng hóa, dịch vụ quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt từ 300 đến 500 triệu đồng... Theo đánh giá bước đầu thì sau những quy định này, thị trường ngoại tệ tiếp tục được siết chặt và hoạt động quy củ hơn, thậm chí là tỉ lệ người dân và DN bán USD cho NH cũng tăng lên do lo ngại khả năng bị xử lý
Theo Lao Động
|