|
Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, theo quy hoạch phát triển khu kinh tế ven biển đến năm 2020, Việt Nam sẽ mở thêm 3 khu kinh tế, nâng tổng số khu kinh tế trong quy hoạch lên 18 khu kinh tế với tổng diện tích mặt đất và mặt nước là 730.553 ha, bằng khoảng 2,2% tổng diện tích của cả nước.
3 khu kinh tế được bổ sung gồm: khu kinh tế Đông Nam, tỉnh Quảng Trị; khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình và khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh Nam Định. Đối với các khu kinh tế ven biển hiện nay đã có hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, cơ bản phục vụ được yêu cầu của nhà đầu tư như các khu kinh tế Dung Quất, Chu Lai và Nghi Sơn.
Cũng theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, từ đầu năm đến nay, các khu kinh tế ven biển đã thu hút được 33 dự án đầu tư nước ngoài, kể cả các dự án tăng vốn, mở rộng sản xuất với tổng vốn đầu tư đạt hơn 500 triệu USD và 38 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt gần 66.000 tỷ đồng. Hiện một số dự án lớn và quan trọng tại các Khu kinh tế đã hoàn thành và đi vào hoạt động như Nhà máy Lọc dầu số 1, Nhà máy đóng tàu, Nhà máy cơ khí nặng Doosan tại Khu kinh tế Dung Quất, sân bay Chu Lai, Nhà máy ô tô Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai, các nhà máy xi măng tại Nghi Sơn...đã góp phần đáng kể cho việc tăng năng lực sản xuất trong ngành công nghiệp và phát triển kinh tế.
Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, phấn đấu kinh tế biển đóng góp từ 53% đến 55% tổng GDP và 55% đến 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Để làm được điều đó, năm 2011, Trung ương đã hỗ trợ ngân sách 1.885 tỷ đồng, bố trí cho 14 khu kinh tế ven biển. Đến thời điểm này, tổng giá trị giải ngân đạt gần 801 tỷ đồng, bằng 42% tổng kế hoạch vốn ngân sách trung ương 2011
Theo GTVT
|