|
Trong dự thảo luật Giá được Chính phủ trình Quốc hội (QH) hôm qua 3.11, hai nội dung quan trọng là bình ổn giá và định giá, vẫn tồn tại quan điểm chưa thống nhất giữa cơ quan trình dự luật và cơ quan thẩm tra.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) cho rằng, chính sách bình ổn giá của Chính phủ thời gian qua còn tồn tại nhiều bất cập, chưa đảm bảo tính công bằng do cơ bản chỉ áp dụng ở một số thành phố lớn, tại các siêu thị, cửa hàng lớn, những nơi người nghèo không thể tiếp cận. Đặc biệt, việc áp dụng chính sách này không đi đôi với biện pháp kiểm soát dẫn đến chính sách bị lợi dụng, bị các đối tượng đầu cơ trục lợi, người dân không được hưởng ưu đãi, sử dụng ngân sách nhà nước lãng phí, kém hiệu quả, tạo dư luận không tốt trong một bộ phận người tiêu dùng. Vì những lý do đó, Ủy ban TCNS đề nghị dự luật khi quy định về bình ổn giá, trước hết phải đảm bảo được tính công bằng; thứ hai bổ sung biện pháp kiểm soát, cơ chế xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thực hiện; thứ ba có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm.
Về tiêu chí bình ổn giá, dự thảo luật quy định Chính phủ quyết cụ thể danh mục bình ổn giá, nhưng Ủy ban TCNS không đồng tình, và cho rằng những mặt hàng thuộc diện bình ổn là hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, thuốc chữa bệnh, lương thực thực phẩm... phải được đưa vào luật đảm bảo tính công khai, minh bạch. Căn cứ vào danh mục này, Chính phủ lựa chọn từng mặt hàng cụ thể, áp dụng bình ổn trong điều kiện, tình hình cụ thể.
Liên quan đến các mặt hàng Nhà nước định giá, Ủy ban TCNS cho rằng dự luật xác định tiêu chí Nhà nước được quyền định giá các hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước, tài nguyên quan trọng, hàng hóa dịch vụ thiết yếu là chưa hợp lý. Bởi việc xác định thế nào là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tài nguyên quan trọng là vấn đề phức tạp. Mỗi mặt hàng có tầm quan trọng riêng, nếu không chỉ rõ mặt hàng cụ thể định giá sẽ gây khó khăn trong triển khai áp dụng luật.
Ủy ban TCNS đề nghị phải quy định cụ thể trong luật về tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá; kèm theo mỗi tiêu chí là loại hàng hóa, dịch vụ tương ứng được định giá. Trường hợp cần điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ QH xem xét quyết định phù hợp với tình hình thực tế, không giao Chính phủ hướng dẫn văn bản dưới luật.
4 nhóm hàng hóa Nhà nước định giá
1. Tài nguyên quan trọng: Đất đai theo quy định của luật Đất đai; mặt nước và các tài nguyên quan trọng khác.
2. Tài sản của Nhà nước được bán, cho thuê không qua hình thức đấu thầu, đấu giá: hàng hóa dự trữ quốc gia; hàng hóa, dịch vụ được sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước.
3. Hàng hóa, dịch vụ Nhà nước độc quyền: điện, dịch vụ vận chuyển hành khách bằng máy bay tuyến nội địa, dịch vụ bưu chính viễn thông.
4. Hàng hóa, dịch vụ quan trọng đối với quốc kế dân sinh: nước sạch cho sinh hoạt, vé tàu hỏa, xe buýt, một số loại thuốc thiết yếu phòng và chữa bệnh cho người. |
6 nhóm hàng hóa bình ổn giá
1. Nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống: xăng, dầu, điện, khí hóa lỏng.
2. Sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp: phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
3. Lương thực, thực phẩm thiết yếu: gạo, thịt, sữa.
4. Đồ dùng học tập phổ biến: sách giáo khoa, vở viết.
5. Thuốc thiết yếu chữa bệnh cho người, vật nuôi: thuốc phòng, chữa bệnh thuộc danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế quy định.
6. Giá dịch vụ giao thông phổ biến: vé tàu, vé xe buýt, vé máy bay. |
Đề nghị "quản" quảng cáo trên blog bằng luật
Chính phủ vừa trình luật Quảng cáo tại phiên họp QH chiều 3.11. Theo cơ quan thẩm tra dự luật là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của QH, quy định hiện hành chỉ bắt buộc báo điện tử và trang thông tin điện tử phải xin cấp phép hoạt động, trong khi đó, hoạt động quảng cáo thông qua các blog cá nhân, các trang mạng xã hội, thư điện tử... đang nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước. Một số các trang mạng từ các máy chủ nước ngoài đang tự do quảng cáo ngoài tầm kiểm soát của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, ủy ban này đề nghị “cân nhắc tính đặc thù của loại phương tiện nói trên, nghiên cứu thiết kế điều này cho phù hợp với thực tiễn”.
Bảo Cầm |
Theo TNO
|