Xuất khẩu sang châu Âu sẽ khó khăn hơn do xu hướng thương mại thế giới suy giảm, vì thế các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến cáo phải linh hoạt hơn trong khai thác thị trường, và tìm cách liên kết để giảm thiểu rủi ro.
TS Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, cho biết, tăng trưởng của EU dự báo giảm sâu sẽ rất bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam vì đây là thị trường có kim ngạch lớn với 20% tổng doanh thu xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Thành, dù khó nhưng tiềm năng khai thác thị trường EU vẫn rất lớn. Biểu đồ xuất khẩu của Việt Nam sang EU giai đoạn 2001 – 2006 tăng trưởng rất chậm, nhưng trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng 2007 – 2009 thì lại đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất. Năm 2010 đạt 22% và mười tháng đầu năm nay hơn 35%. Trong ba thị trường có tính hỗ trợ thương mại cao đối với Việt Nam là Mỹ, EU và Nhật, thì kỳ vọng thị trường EU vẫn lớn hơn. Vì thế, doanh nghiệp cần linh hoạt hơn trong chiến lược tìm kiếm thị trường và đối tác mới.
TS Thành cũng lưu ý, khai thác thị trường EU không dễ, và doanh nghiệp phải biết kết hợp cạnh tranh bằng giá và hiểu biết thị trường EU, các vấn đề pháp lý, ưu đãi thuế quan, sở hữu trí tuệ và các quy định về bảo vệ môi trường. Việt Nam xuất sang EU chủ yếu là hàng thiết yếu, như giày dép, nông sản, thuỷ sản… là các hàng hoá tiêu dùng cơ bản, vì thế tăng trưởng xuất khẩu tính theo khối lượng vẫn còn khả quan vì độ co giãn theo giá không quá lớn. Trước mắt, cần tận dụng lợi thế này nhưng không thể chỉ cạnh tranh bằng giá như lâu nay, hàng hoá Việt Nam sẽ dễ vướng phải những rào cản về áp thuế chống bán phá giá.
Theo ông Sanjay Kalra, trưởng đại diện quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, xuất khẩu Việt Nam giai đoạn qua vẫn ổn định với mức 78 tỉ đôla Mỹ trong mười tháng đầu năm và tăng trưởng khoảng 35%, cho thấy khả năng phản ứng lại những khó khăn của kinh tế thế giới của doanh nghiệp Việt Nam là khá cao. “Trong tình hình chung EU u ám thì vẫn có những thị trường tăng trưởng tiêu dùng cao và tạo ra cơ hội, nhưng buộc doanh nghiệp Việt Nam phải linh hoạt hơn trong chiến lược và tìm kiếm quan hệ với đối tác mới để vận hành kinh doanh”, ông khuyến cáo.
Theo luật sư Albert Franceskinj, thì EU là thị trường có nhiều quy định khắt khe đối với hàng hoá nhập khẩu. Để giảm thiểu rủi ro, nên liên kết theo nhóm ngành, tham gia các hiệp hội ngành nghề để được cung cấp thông tin, tìm hiểu nhu cầu thị trường và các phương tiện tiếp cận; lập quan hệ đối tác uy tín với một công ty châu Âu để thông qua đó, mở rộng thị trường. EU có đến 27 quốc gia thành viên nên cần tập trung vào những nơi có lợi thế.
Mặt khác, nhiều vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm Việt Nam thời gian qua là những vụ điển hình doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm theo dõi để có giải pháp phòng tránh thích hợp
Theo SGTT