Chưa bao giờ, thị trường chứng khoán lại chứng kiến những vi phạm nghiêm trọng xảy ra liên tiếp, chỉ trong một thời gian ngắn, như trong vài tháng qua: chủ tịch HĐQT công ty chứng khoán Hà Thành bỏ trốn, để lại khoản nợ hơn 100 tỉ đồng; lãnh đạo cấp cao của công ty cổ phần Dược Viễn Đông bị bắt, cổ phiếu của công ty này bị huỷ niêm yết; thành viên HĐQT công ty chứng khoán Phương Đông Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo các tổ chức, cá nhân hàng ngàn tỉ đồng... Và gần đây nhất, là trường hợp công ty chứng khoán SME bị đình chỉ hoạt động lưu ký trong thời gian một tháng, từ 3.11.
Bên cạnh những vụ vi phạm này, là những thông tin tiêu cực về kết quả hoạt động chín tháng đầu năm của các công ty chứng khoán niêm yết: 18 công ty chứng khoán đang thua lỗ 1.350 tỉ đồng, chiếm hơn 60% tổng số lỗ của các doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn Hà Nội và TP.HCM. Diễn biến này khiến cho nhà đầu tư không khỏi bất an, khi tiền, tài sản của họ đang được quản lý trong một môi trường đầy rủi ro.
Tất cả những vi phạm nói trên, hầu hết vỡ lở khi mức độ, quy mô đã rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó bao gồm cả các thành viên tham gia thị trường lẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trước tất cả những vụ việc này, thông tin, phản ứng chính thức từ cơ quan quản lý, bao gồm uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và hai sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và TP.HCM (HSX) là chậm chạp, thụ động. Như vụ cổ phiếu DVD của công ty cổ phần Dược Viễn Đông bị huỷ niêm yết, cơ quan quản lý chỉ công bố trước ngày huỷ niêm yết đúng hai ngày, khiến cho hơn 1.700 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này gần như “chết đứng”. Tuy nhiên, trong buổi trao đổi với báo chí, đại diện lãnh đạo uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng đã làm hết trách nhiệm. Phía kiểm toán cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
Tình trạng giao dịch nội gián, làm giá cổ phiếu, công ty chứng khoán trục lợi tiền của nhà đầu tư... được giới đầu tư “rỉ tai” rất lâu. Tuy nhiên, kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào vận hành đến nay, số vụ việc bị phát hiện chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà mức độ “bảo vệ nhà đầu tư” – một trong những tiêu chí quan trọng để ngân hàng Thế giới xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam hàng năm – luôn ở hàng kém nhất thế giới. Trong ba năm liên tiếp 2009, 2010, 2011, mức độ “bảo vệ nhà đầu tư” của Việt Nam xếp hạng lần lượt 171, 172, 173 trong tổng số 183 quốc gia được xếp hạng.
Quả thật, với thực trạng hoạt động hiện nay của các công ty chứng khoán; sự thụ động và lỏng lẻo trong kiểm soát thị trường, việc một công ty chứng khoán có quy mô cỡ 100 tỉ đồng đang quản lý hàng chục ngàn tỉ đồng của nhà đầu tư tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, nhất là khi tài khoản của nhà đầu tư chưa được quản lý tách bạch bởi các ngân hàng.
Một nghiên cứu mới đây về các giao dịch cổ phiếu tư nhân đã cho thấy, ở những nước có rủi ro về việc lạm dụng vốn cao, tỷ trọng vốn đầu tư trong GDP chỉ bằng một nửa tỷ trọng ở những nước thực hiện tốt việc bảo vệ nhà đầu tư. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của thị trường cũng như sự phát triển bền vững của thị trường.
Theo Baomoi