|
Nhiều doanh nghiệp ngành vận tải biển có hệ số nợ ở mức cao. Bán tài sản để cơ cấu nợ là một lựa chọn ''không ai bảo ai'' nhưng các doanh nghiệp vận tải biển đang áp dụng.
Đội tàu mạnh trước đây hay bây giờ đều là thế mạnh của doanh nghiệp ngành vận tải biển bởi lẽ trước áp lực cạnh tranh lớn với các hãng tàu ngoại, nếu không có tiềm lực tương đối thì miếng bánh thị phần mảng vận tải biển-vốn dĩ đã rất bé- sẽ rơi hết vào tay hãng tàu ngoại.
1 vốn- 9 nợ : Doanh nghiệp oằn lưng gánh nợ
Áp lực tăng dần năng lực ngành vận tải biển trong nước cộng với tiềm lực thị trường vận tải biển chưa khai thác hết khiến nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận rủi ro vay vốn đầu tư tàu biển. Đội tàu càng lớn mạnh- hệ số nợ trên tổng tài sản của các doanh nghiệp càng cao dần lên.
Nhìn lại báo cáo tài chính của các doanh nghiệp vận tải biển, hệ số nợ/ tài sản đã chạm mức khá....giật mình. Đa phần, hệ số này trên 60%. Có những doanh nghiệp cá biệt như DDM có hệ số nợ ‘khủng’ hơn 94%. Con số này cho thấy một điều, một tài sản của doanh nghiệp được hình thành chỉ từ chưa đầy 1 phần vốn chủ sở hữu còn hơn 9 phần là vốn vay.
Chi phí tài chính thành áp lực
Với hệ số nợ/ tài sản lớn, hiển nhiên, cái giá phải trả cho ‘đòn bẩy tài chính’ là chi phí lãi. Trong điều kiện kinh tế trong nước, thế giới khó khăn từ cuối năm 2008 trở lại đây, Tỷ suất sinh lời trên tài sản ROA (return on asset) của doanh nghiệp thấp hơn lãi suất vay vốn, chi phí lãi vay trở thành áp lực lớn cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp có khi oằn lưng gánh chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá) hàng trăm tỷ đồng khiến lợi nhuận ròng teo tóp lại.
Những doanh nghiệp đầu ngành vận tải biển niêm yết như VOS, VFR, VSP, VST đều lần lượt báo lỗ quý III/2011. Trong quý này, VOS phải trả hơn 61 tỷ đồng chi phí tài chính, VFR 16,6 tỷ đồng, VSP trả 53,4 tỷ đồng và VST phải trả 59,13 tỷ đồng. Đây là quý thứ 4 liên tiếp VSP lỗ ròng.
Bán tài sản cơ cấu nợ
Bán tài sản để cơ cấu nợ là một lựa chọn ''không ai bảo ai'' nhưng các doanh nghiệp vận tải biển đang áp dụng. EPS 4 quý gần nhất của VOS chưa đầy 1.000 đồng, vốn điều lệ 1.400 tỷ đồng nhưng 2 quý đầu năm đạt chưa đầy 6 tỷ đồng lãi và quý III lỗ 51,74 tỷ đồng. Tháng 10 và tháng 11, VOS liên tục chào bán 2 tàu là tàu chở dầu và tàu Sông Tiền. Lãi, lỗ từ đợt cơ cấu lại tàu hiện công ty chưa công bố, tuy nhiên, hầu hết đội tàu VOS dùng chính sách khấu hao nhanh, ngoài ra, việc trượt giá của đóng tàu mới có thể khiến hoạt động thanh lý tàu của công ty diễn ra suôn sẻ. Hoạt động này nhiều khả năng sẽ mang lại cho công ty khoản lợi nhuận khác lớn và điều quan trọng hơn, có nguồn tiền trả nợ để giảm bớt áp lực lãi vay.
VST cũng có động thái cơ cấu lại tài sản. Cuối năm 2010, VST đã bán tàu Phương Đông 2 và trong quý II/2011 đã bán tàu Phương Đông 1, quý III bán tàu Phương Đông 3. Dù hoạt động thanh lý tài sản này đã mang lại cho công ty khoản lợi nhuận khác khá lớn 53,88 tỷ đồng nhung do chi phí tài chính hơn 59,13 tỷ đồng nên VST không thoát lỗ quý III.
VNA cũng lên kế hoạch cơ cấu lại đội tàu từ đầu năm 2011. Ngay từ ĐHCĐ, VNA đã dự kiến đầu tư từ 47,5-52,5 triệu USD để mua và đóng mới tàu, bán 3 tàu già khai thác không hiệu quả. Tàu Chương Dương, Hà Giang, Hưng Yên đã được công ty bán trong năm 2011 và thông tin trên đã được công ty công bố. Tuy nhiên, việc mua, đóng mới tàu theo nghị quyết thì chưa có thông tin.
Chậm hơn, VOS, VST, VNA, ngày 28/10 vừa qua, VFR mới thống nhất chủ trương tái cơ cấu đội tàu, thanh lý những tàu cũ, tàu kinh doanh kém hiệu quả.
Theo Baomoi
|