|
Với mục tiêu trên, bên cạnh nhiều hội thảo chuyên đề, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang ráo riết xây dựng Đề án Phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2011-2020.
Tiềm năng về cảng biển
Sự phát triển của ngành dầu khí tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã tạo ra một hệ thống cảng chuyên dụng từ những năm đầu tiên khi Việt Nam mới mở cửa. Tuy nhiên, thời gian đầu, hệ thống cảng chuyên dụng này chưa đóng góp nhiều cho hoạt động thương mại. Chỉ khi tài nguyên dầu khí được khai thác, mở ra nhiều triển vọng cho các ngành công nghiệp hóa dầu, khí - điện - đạm và các ngành công nghiệp vệ tinh khác, thì tiềm năng cảng nước sâu của Bà Rịa - Vũng Tàu mới thực sự được chú trọng khai thác.
Tiên phong trong hệ thống cảng thương mại tổng hợp tại Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng Baria Serece, được khởi công năm 1996. Sau đó, thấy được tiềm năng lớn trên sông Thị Vải - Cái Mép, nhiều nhà đầu tư đã tập trung xây dựng cảng dọc trên dòng sông này.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 52 dự án cảng biển, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 24 cảng, trong đó có các cảng lớn và hiện đại như: CMIT, SP-PSA, SITV, Tân Cảng - Cái Mép…; 27 cảng đang trong quá trình xây dựng và 1 cảng tiếp tục đầu tư với quy mô lớn (Cái Mép hạ) cùng với trung tâm logistics.
Trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế
Quy hoạch Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định số 2190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phân chia khu cảng Cái Mép, Sao Mai - Bến Đình là khu bến chính cho container xuất nhập khẩu trên tuyến biển xa, cập tàu 80.000 - 100.000 tấn; khu cảng Cái Mép - Thị Vải dành cho cảng tổng hợp container, cập tàu trọng tải 50.000 - 80.000 tấn.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai xây dựng, nhiều chủ đầu tư dự án cảng tại đây đã xin điều chỉnh thiết kế cơ sở và thi công xây dựng bến cảng để cập tàu và làm hàng cho tàu có trọng tải hơn 100.000 tấn. Cụ thể, bến cảng Gemadept Link container Terminal xin điều chỉnh lên 120.000 tấn, bến cảng container quốc tế Cái Mép lên 160.000 tấn, Cảng container quốc tế Sài Gòn - SSA lên 160.000 tấn, Cảng quốc tế SP - PSA lên 120.000 tấn…
Sau hơn một năm đi vào hoạt động, các cảng container tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón hàng trăm lượt tàu container là tàu mẹ và tàu trung chuyển có trọng tải trên 100.000 tấn vào ăn hàng. Tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải dự kiến đạt khoảng 800.000 TEU trong năm 2011 và tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới, khi một số cảng mới đưa vào hoạt động, như SSIT (dự kiến vào tháng 12/2011), ODA (dự kiến năm 2012) và Gemalink (dự kiến cuối năm 2013).
Rõ ràng, hệ thống cảng Bà Rịa - Vũng Tàu đang dần trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế.
Đô thị cảng trung tâm trong tương lai
Theo các nhà kinh tế, những hạn chế của hệ thống cảng Bà Rịa - Vũng Tàu là hạ tầng kết nối với các địa phương khác chưa tốt, chưa có đường sắt, cảng hàng không còn khá xa. Tỉnh chưa nhận được cơ chế, chính sách đặc thù từ Trung ương để tạo điều kiện cho khu vực Vũng Tàu - Cái Mép - Thị Vải đảm nhận nhiệm vụ trung chuyển quốc tế. Dịch vụ logistics hỗ trợ cho hoạt động cảng biển tại địa phương chưa phát triển. Hệ thống thủ tục hải quan cũng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng phát triển cảng.
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, kinh tế cảng biển sẽ là kinh tế chủ đạo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì vậy, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được xây dựng thành đô thị cảng trung tâm của cả nước. Kinh tế cảng là mũi nhọn đủ sức và đủ tầm tạo đột phá, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung trong giai đoạn tới.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (2010 - 2015) xác định, xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh công nghiệp và cảng biển theo hướng hiện đại vào năm 2015, phấn đấu đạt chỉ tiêu doanh thu dịch vụ cảng 35%/năm, kinh tế cảng biển sẽ dần thay thế dầu khí, phát triển cảng biển là nhiệm vụ trọng tâm của Bà Rịa - Vũng Tàu trong những năm tới.
Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển cảng biển đối với kinh tế địa phương, gần đây, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề phát triển hệ thống cảng biển và dịch vụ logistics, nhằm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp cũng như công tác quản lý hoạt động cảng biển. Tỉnh cũng đang xây dựng Đề án Phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2011-2020, bao gồm nhiều chương trình trọng tâm. Tất cả đều nhắm đến mục tiêu xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành đô thị cảng biển hiện đại của Việt Nam.
Theo Baomoi
|