Dù sản lượng cá tra nguyên liệu ở các vùng nuôi trọng điểm
của ĐBSCL tính đến thời điểm này đều bằng hoặc vượt so với cùng kỳ năm ngoái,
thế nhưng, do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng cao nên nguồn nguyên liệu
phục vụ cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vẫn thiếu hụt, chủ yếu rơi vào
các doanh nghiệp nhỏ, ít vốn đầu tư.
Cá nhiều
Ông
Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)
Đồng Tháp cho biết, năm 2011, chỉ tiêu sản xuất cá tra của tỉnh là 300.000 tấn,
nhưng ước tính sản lượng năm nay có thể vượt so với chỉ tiêu đề ra là 30.000
tấn. Tính đến nay, Đồng Tháp đã thu hoạch được trên 826 héc ta ao nuôi cá tra
với tổng sản lượng đạt trên 314.480 tấn cá tra nguyên liệu, đạt 104, 83%, tức
đã vượt kế hoạch 4,83%.
Bà Phạm
Thị Hòa, Phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang khẳng định, tính đến cuối tháng
10, An Giang đã thu hoạch được 237.300 tấn cá tra nguyên liệu, tăng so với kế
hoạch sản xuất đề ra.
Tương
tự, theo báo cáo của Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ, năm 2011, diện tích nuôi
cá tra toàn tỉnh đạt khoảng 900 héc ta, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2010. Sản
lượng thu hoạch đạt trên 157.400 tấn, tăng 0,3% so với kế hoạch, tính đến tháng
11. Ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ cho
biết, sản lượng cá tra nguyên liệu cả năm 2011 của thành phố này ước đạt
202.000 tấn, tăng 24.000 tấn so với cùng kỳ năm 2010 (năm 2010 đạt 178.000
tấn).
Không
chỉ An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ - 3 địa phương nuôi cá tra nguyên nhiều nhất
khu vực ĐBSCL - có sản lượng cá nguyên liệu vượt kế hoạch, ngay cả những địa
phương có diện tích nuôi ít vẫn đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra.
Theo
báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 10 năm qua, sản lượng cá tra nguyên liệu hàng
năm đều tăng lên đáng kể, từ 37.500 tấn năm 2001 lên 1,35 triệu tấn năm 2010,
dự báo năm nay sẽ vượt qua con số 1,35 triệu tấn.
Nhưng vẫn thiếu
Dù sản
lượng cá nguyên liệu ở các địa phương đều bằng hoặc vượt so với năm ngoái,
nhưng nguồn cá nguyên liệu vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến xuất
khẩu, dẫn đến hiện tượng thiếu hụt nguyên liệu.
Ông
Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến thủy sản Việt Nam (Vasep) cho
biết, hiện cá tra nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu thiếu hụt rất
lớn, tình trạng này có thể kéo dài đến đầu năm 2012.
Bà Phạm
Thị Hòa thì cho biết, tình trạng thiếu hụt cá tra nguyên liệu chỉ xảy ra cục bộ
ở thời điểm hiện tại bởi vì đơn hàng của các thị trường đều tăng cao trong dịp
lễ Giáng sinh và năm mới, chứ nếu tính bình quân cho cả năm thì cá nguyên liệu
vẫn không thiếu hụt.
“Tình
trạng thiếu hụt nguyên liệu chỉ xảy ra ở những doanh nghiệp ít vốn đầu tư,
không có điều kiện thu mua cá nguyên liệu tích trữ” - bà Hòa khẳng định.
Theo số
liệu từ Vasep, trong 9 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt
1,31 tỉ đô la, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái. (giá trị tăng nhờ cả khối
lượng và giá bán đều tăng). Trong đó, chỉ tính riêng thị trường Mỹ, Việt Nam đã
trở thành nơi cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Mỹ về lượng và thứ 5 về trị giá,
tăng hai bậc so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ nhu
cầu nhập khẩu của Mỹ, châu Âu… tăng cao, giúp Tiền Giang, Đồng Tháp sớm hoàn
thành chỉ tiêu xuất khẩu cá tra của năm nay, như Đồng tháp đạt 332/330 triệu đô
la, Tiền Giang đạt 592 triệu đô la Mỹ, đạt 102% kế hoạch năm.
Theo
báo cáo của Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA), hiện giá cá tra nguyên liệu tại
thị trường An Giang được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản thu mua
với mức giá dao động từ 28.000 - 29.000 đồng/kg đối với cá tra thịt trắng đạt
tiêu chuẩn xuất khẩu, ổn định so với tuần rồi. Đặc biệt, đối với cá tra đạt
tiêu chuẩn xuất khẩu, có trọng lượng từ 0,8-1,5 kg/con được Công ty cổ phần
Việt An (Anvifish), phường Mỹ Thới, Long Xuyên, An Giang thu mua với giá cao
nhất từ trước đến nay, lên đến 29.150 đồng/kg.
Theo Infotv