Bộ Công thương vừa tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động thương mại biên
giới trên tuyến biên giới phía Bắc giai đoạn 2006-2011.
Trong giai đoạn 2006-2011, kim ngạch trao đổi qua biên giới Việt –Trung tăng
với tốc độ trung bình khoảng 29%/năm, 9 tháng năm 2011 đạt trên 6,3 tỷ USD. Tuy
nhiên, trong thời gian qua cơ cấu mặt hàng xuất khẩu qua biên giới Việt – Trung
không có nhiều chuyển biến, chủ yếu vẫn là mặt hàng nông, lâm, thủy sản, nguyên
liệu, khoáng sản thô chưa qua chế biến - giá trị hàng hóa chưa cao. Trong khi,
Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết
bị công nghiệp và hàng tiêu dùng…
Xe chở dưa hấu nằm dài ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh minh họa
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương biên giới đều “kêu” khó vì chưa có một
chiến lược tổng thể cho việc phát triển giao lưu thương mại đối với tuyến biên
giới Việt – Trung; thiếu các chính sách cụ thể để phát triển mặt hàng xuất khẩu
sang Trung Quốc; chính sách tiền tệ ngân hàng; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ
thuật thương mại còn yếu kém, lạc hậu…
Theo ông Nguyễn Văn Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, những năm
qua, chính sách biên mậu của Trung Quốc thường xuyên thay đổi, mặt khác giữa
các DN của ta và DN Trung Quốc thường không ký hợp đồng kinh tế, nên vào thời
vụ thu hoạch, hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam thường bị các DN Trung Quốc ép
giá.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa
xuất nhập khẩu, thường xuyên bị ách tắc hàng hóa gây khó khăn và thiệt hại lớn
về kinh tế cho các DN. Về quản lý, hiện tượng “lách luật”, lợi dụng quy định
cho chọn nơi thông quan để khai man về chủng loại, số lượng hàng hóa khi nhập
vào Việt Nam vẫn xẩy ra mà chưa biện pháp ngăn chặn triệt để; một số đối tượng
lợi dụng chính sách tạm nhập - tái xuất để trà trộn hàng hóa xuất nhập khẩu
“chui” trốn thuế…
Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay, Quảng
Ninh có 16 chợ biên giới, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu nhưng sức cạnh tranh
của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn rất hạn chế; thanh toán bằng tiền mặt
còn nhiều, dễ dẫn đến các hiện tượng lừa đảo, chiếm dụng tiền hàng; trong khi
lực lượng chống buôn lậu mỏng, thiếu trang thiết bị kỹ thuật nên công tác phòng
chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn….
Để tháo gỡ các khó khăn nói trên, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú
khẳng định, sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo đẩy mạnh triển khai
các hoạt động xúc tiến thương mại biên giới.
Trong đó, tập trung phát triển hệ thống phân phối hàng hóa từ vùng sản
xuất đến khu vực cửa khẩu và xuất khẩu sang Vân Nam và Quảng Tây; cung cấp
thông tin thị trường biên giới Việt – Trung; tổ chức các hoạt động giao nhận,
vận chuyển và dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt
Trung; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho thương nhân tham gia xuất khẩu
sang Trung Quốc.
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xây dựng một cơ chế đầu tư từ Ngân
sách Nhà nước nhằm phát triển hạ tầng kỹ thuật khu vực các cửa khẩu biên giới
phía Bắc. Về phía mình, các tỉnh biên giới phía Bắc cần tăng cường công tác
tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân không tiếp tay cho buôn lậu, phát
hiện và phòng ngừa kịp thời các đường dây, đối tượng buôn lậu hàng giả và gian
lận thương mại qua biên giới….
Theo Baomoi