Những năm trước đây khi lũ về người dân
“nghỉ xả hơi”, nhưng nay với con tôm càng xanh thả nuôi trong thời gian lũ ngập
trắng đồng, nhiều nông dân phút chốc trở thành tỉ phú. Người có ít đất cũng bỏ
túi cả trăm triệu đồng.
Những ngày này, hàng trăm hộ nông dân ở các
xã Phú Thành A, Phú Thành B, Phú Thọ, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đang tất bật
thu hoạch tôm càng xanh trên cánh đồng còn mênh mông nước lũ. Thương lái khắp
nơi về vùng nuôi tôm càng xanh mùa lũ có diện tích khoảng 808ha này, tranh nhau
mua tôm với giá hơn 250.000 đồng/kg (loại dưới 20 con/kg).
Hết lũ, túi rủng rỉnh tiền
"Đây là khoản tiền trời cho vì nếu không nuôi tôm thì
lũ trắng đồng cũng chẳng làm lúa được"
Ông Nguyễn Sĩ Khánh(trưởng trạm thủy sản huyện
Tam Nông, Đồng Tháp)
|
Từ sáng sớm, rất nhiều nông dân ôm lưới ra đồng tôm chuẩn bị
thu hoạch. Dưới kênh, hàng chục chiếc ghe bầu chở nước có máy sục khí oxy tấp
nập tiến vào đồng tôm để mua.
Ông Trần Văn Quì (ấp Phú Long, xã Phú Thành
B) vừa thu hoạch xong 2,4ha tôm càng xanh, năng suất 1,4 tấn/ha. Bán cho thương
lái được 255.000 đồng/kg, ông cười tươi như hoa: “Kỳ này kiếm được vài trăm
triệu đồng”. Còn ông Dương Văn Diễn (cùng ấp với ông Quì) nuôi thả tới 12ha,
năng suất bình quân 1,5 tấn/ha, khoe: “Đây là năm thứ sáu tôi nuôi tôm càng
xanh. Một công ty ở TP.HCM đã đến nhà tôi mua hết tôm với giá từ
235.000-265.000 đồng/kg. Tính sơ vụ này tôi lời không dưới 1,3 tỉ đồng”.
Ông Nguyễn Sĩ Khánh, trưởng trạm thủy sản
huyện Tam Nông, cũng đến vùng nuôi tôm chia sẻ niềm vui trúng mùa. Ông Khánh
nhẩm tính: “Tính giá bèo nhất là 200.000 đồng/kg thì vụ này nông dân vùng lũ
Tam Nông thu về gần 300 tỉ đồng. Trừ hết chi phí, bà con cũng bỏ túi gần 100 tỉ
đồng, gấp ba lần trồng lúa”. Theo ông Khánh, đây là khoản tiền trời cho vì nếu
không nuôi tôm thì lũ trắng đồng cũng chẳng làm lúa được. Thống kê gần đây cho
thấy 128 hộ dân nuôi tôm trong vùng quy hoạch của huyện Tam Nông đều trở thành những
hộ giàu có.
Mua thêm đất và lo cho con cháu học hành
Ông Hứa Văn Điển (xã Phú Thành B) bắt đầu
nuôi thử nghiệm tôm càng xanh trên vùng lũ từ năm 2004, đến nay ông đã tậu được
12ha đất cùng căn nhà bề thế xây hết 1,5 tỉ đồng. Nhờ tôm càng xanh, ông Điển
có tiền cho con đầu tư cửa hàng mua bán vật tư nông nghiệp, chủ yếu phục vụ
nghề nuôi tôm. Ông Điển đúc kết: “Lũ càng lớn thì tôm càng mau lớn và ít dịch
bệnh nên nuôi không khó. Nên mua tôm giống sạch bệnh ở các trại có thương hiệu
và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp”.
Ông Điển kể có ba cô con gái, nhưng trước
đây nghèo khó nên không ai học hành đàng hoàng. Bây giờ ông sẽ đầu tư cho con
rể và cháu ngoại ăn học tới nơi tới chốn. “Con rể thì học thêm về kỹ thuật nuôi
tôm, trồng lúa, quản trị doanh nghiệp. Còn cháu ngoại chỉ có việc lo ăn học để
vào đại học chứ không phải làm ruộng phụ giúp cha mẹ”- ông Điển nói. Mục tiêu
ông Điển đặt ra là tất cả cháu ngoại ông phải vào đại học.
Cách nhà ông Điển chừng 500m là trang trại
của ông Dương Văn Diễn. Cũng làm giàu từ con tôm càng xanh mùa lũ, ông Diễn đặt
ra “chiến lược” tăng cường chất xám cho đại gia đình mình. “Con cháu tôi phải
học chuyên ngành thủy sản hoặc nông nghiệp và về quê phục vụ bà con nông dân
của mình tui mới chịu à nghe” - ông Diễn nói. Rồi ông chỉ tay về phía cô gái
đang rửa chén phía sau nhà: “Con dâu tui đó. Hai vợ chồng mới lấy nhau, tụi nó
đều học ngành thủy sản ĐH An Giang đó. Nó đem kiến thức nuôi tôm của thầy cô về
giúp tui và bà con nông dân nuôi tôm luôn trúng mùa là hãnh diện lắm rồi”.
Ông Dương Nghĩa Quốc, giám đốc Sở
NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết mô hình nuôi tôm càng xanh trong mùa lũ đã
làm thí điểm vài năm qua và khẳng định đây là mô hình hay, phù hợp với nhiều
tỉnh bị ngập lũ. Thay vì ngồi chơi xơi nước mấy tháng lũ thì nông dân thả nuôi
tôm càng xanh, hết lũ thu hoạch bán được tiền tỉ như chơi. So với lúa, con tôm
sẽ giúp nhiều nông dân khá lên nhanh chóng lại không gây hại môi trường. Xác
tôm lột còn là nguồn phân vô cơ dồi dào cho cây lúa vụ đông xuân sau lũ phát triển
tốt. Ước tính vùng nuôi tôm càng xanh sẽ giúp nông dân giảm chi phí phân bón
20-30% so với những ruộng không nuôi tôm.
Từ thành công của mô hình này, tỉnh Đồng
Tháp đã quy hoạch mở rộng diện tích nuôi tôm càng xanh lên 3.200ha đến năm 2015
và sẽ có 1.000 hộ tham gia. Dự kiến cần tới 3.000 tỉ đồng để đầu tư xây dựng đê
bao, đường giao thông, trạm bơm, trại sản xuất giống. Trước mắt tỉnh sẽ củng
cố, đầu tư cho 10 hợp tác xã thủy sản tổ chức nuôi tôm càng xanh bài bản và
nhân ra dần.
Có thể mở
rộng diện tích nuôi tôm ở ĐBSCL lên10.000ha
Tiến
sĩ Nguyễn Văn Hảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thủy sản 2
TP.HCM, cho biết nhiều năm qua con tôm càng xanh là sản phẩm độc đáo được
tiêu thụ mạnh trên thị trường và nguồn cung cấp là từ vùng lũ ĐBSCL. Để tận
dụng lợi thế mùa nước nổi hằng năm, các tỉnh ĐBSCL có thể mở rộng diện tích
nuôi tôm càng xanh lên 10.000ha. Sản lượng thu hoạch trong phạm vi diện tích
này sẽ không bị dội chợ, dân sẽ có lãi khá. Khi có điều kiện xuất khẩu sẽ
tính đến việc mở rộng thêm diện tích.
|
Theo TTO