Home Page About us Transport Yellow Pages Forum VIL
Tracuu
Su Kien



Username
Password
 
Đăng ký mới


Phòng kinh doanh:
028
3513 6399
 

Đăng nhập

     

Thúc đẩy tốc độ giải ngân ODA

11/28/2011 10:56:27 AM

Giải ngân vốn ODA đã có chiều hướng tích cực hơn, nhưng vẫn còn những khoảng trống cần lấp đầy để đồng vốn quý báu này sớm đến được các công trình, dự án quan trọng của quốc gia.

Cách đây vừa đúng một tuần, hầm Thủ Thiêm, hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á và toàn tuyến Đại lộ Đông - Tây TP.HCM đã chính thức thông xe. Dự án có ý nghĩa quan trọng trong phát triển giao thông và kinh tế - xã hội TP.HCM này có tổng vốn đầu tư tương đương 762 triệu USD, trong đó vốn vay ODA từ Nhật Bản chiếm 65%, vốn đối ứng 35%. Như vậy, thêm một dự án sử dụng vốn ODA nữa được đưa vào vận hành, để cùng với những Sân bay Tân Sơn Nhất, cầu Bãi Cháy, cầu Thanh Trì, cảng Cái Mép - Thị Vải… góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển của Việt Nam.
Trước đó, cuối tháng 10/2011, tại Tokyo (Nhật Bản), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki đã ký công hàm trao đổi về khoản tín dụng ưu đãi thuộc đợt 1 tài khóa 2011 mà Nhật Bản dành cho Việt Nam. 5 dự án, trong đó có Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn, đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn Bến Lức - Long Thành), Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện)…, được hưởng lợi từ khoản tín dụng ưu đãi này, với tổng giá trị tương đương 1,2 tỷ USD.

Những diễn biến đó cho thấy chuyển biến tích cực trong ký kết hiệp định, giải ngân vốn ODA ở Việt Nam. Nhưng trước thềm Diễn đàn Cấp cao về Hiệu quả viện trợ lần thứ 4 sẽ diễn ra ngày mai (29/11) tại Busan (Hàn Quốc) và Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tuần sau, một lần nữa, vấn đề thúc đẩy giải ngân vốn ODA và nâng cao hiệu quả viện trợ được đặt ra.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn ODA trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực. 10 tháng đầu năm nay, con số này là 2,33 tỷ USD và ước cả năm sẽ đạt khoảng 3,65 tỷ USD, tăng 3,1% so với năm 2010.

Thậm chí, trong giai đoạn 2006-2010, dựa trên các mục tiêu của Đề án Định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA thời kỳ này, thì cả vốn cam kết, vốn ký kết và vốn giải ngân đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, tăng trưởng tốc độ giải ngân vốn của 6 ngân hàng phát triển (bao gồm WB, ADB, JICA, KEXIM, KFW, AFD) trong vòng 3 năm qua rất ấn tượng.

Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận rằng, mặc dù kết quả giải ngân đã tăng mạnh trong giai đoạn này, song tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA vẫn chưa đạt yêu cầu và đối với một số nhà tài trợ, còn thấp hơn với mức bình quân của khu vực và thế giới.

“Với vốn của WB, tỷ lệ giải ngân của Việt Nam là 11,6% so với 19,4% của khu vực; với vốn của JICA, tỷ lệ giải ngân của Việt Nam là 13,6% so với 16,6% của quốc tế. Nhiều chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA đã phải gia hạn, làm giảm hiệu quả đầu tư do chậm đưa các công trình vào khai thác, sử dụng”, ông Khang nói.

Số liệu thống kê cho thấy, đến nay, số vốn ODA đăng ký, có hiệu lực là 26,383 tỷ USD, nhưng giá trị giải ngân mới đạt được 6,965 tỷ USD, còn 19,418 tỷ USD chưa được giải ngân. Một số nhà tài trợ còn tồn đọng vốn lớn như WB (6,128 tỷ USD), Nhật Bản (5,981 tỷ USD), ADB (4,575 tỷ USD)...

Lý giải cho sự chậm trễ này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đó là do những khác biệt về thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ; còn xung đột trong các văn bản pháp quy về quản lý và sử dụng vốn ODA. Những vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng; thời gian thực hiện dự án kéo dài... cũng ảnh hưởng tới tốc độ giải ngân vốn ODA. Đó là chưa kể, năng lực tổ chức và quản lý ODA ở cấp địa phương còn hạn chế.

“Mặc dù tiến độ giải ngân đã có những thay đổi tích cực, nhưng việc phân bổ vốn còn chậm”, vị đại diện của ADB nói và bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của JICA cho rằng, vốn đối ứng giữ vai trò rất quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án. Theo vị này, mặc dù vốn đối ứng đã được Chính phủ cam kết, anhưng vẫn chưa tới tay ban quản lý dự án kịp thời và điều này cần sớm được tháo gỡ.

Bên cạnh đó, theo nhóm 6 ngân hàng phát triển, một loạt vấn đề cần được cải thiện, như cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn về tiêu chí dự án cấp phát và dự án cho vay lại; hay cần quản lý tài chính chặt chẽ, gắn việc gánh chịu rủi ro giữa Chính phủ và các cơ quan cho vay lại cuối cùng; đặc biệt là làm sao để tránh được những rủi ro về sự khác biệt tiền tệ…

Đây chính là những khoảng trống cần được lấp đầy, nếu Việt Nam muốn thúc đẩy hơn nữa việc giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA.

Theo Baomoi

 

TIN LIÊN QUAN
THÔNG TIN KHÁC
BÌNH LUẬN

Bình luận của bạn

Nội dung:
Email / Tên / Điện thoại:
 

Bạn thấy giao diện mới của website như thế nào?
Rất đẹp
Đẹp
Bình thường
Không đẹp lắm

VẬN CHUYỂN CONTAINER QUỐC TẾ/NỘI ĐỊA UY TÍN, CHẤT LƯỢNG. HOTLINE: 0903 974 124
CÔNG TY TNHH CÁT TƯỜNG GIANG (CTG LOGISTICS & SHIPPING AGENCIES)

© 2005-2020 Bản quyền thuộc về Viện Logistics Việt Nam (VIL) - Liên hệ quảng cáo
Ghi rõ nguồn "VietnamShipper" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Tầng 25, Pearl Plaza - 561A Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM - Tel: (+84-8) 3513 6399 - Fax: (+84-8) 3513 6359 - Email: admin@vietnamshipper.com