Khẳng định cấu trúc
tài chính hợp lý hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh,
Ths. Phạm Thị Hồng Vân (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính) đưa ra 6 giải
pháp để vực dậy các doanh nghiệp đang yếu kém.
Mất cân đối tài chính, doanh
nghiệp khó càng thêm khó
Tái cấu trúc tài
chính là hoạt động cấu trúc lại tài sản, cấu trúc lại nguồn vốn của doanh
nghiệp, đảm bảo việc phân bổ vốn cho các hoạt động một cách hợp lý nhằm nâng
cao hiệu quả của đồng vốn được sử dụng. Nói cách khác, tái cấu trúc tài chính
là quá trình nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp trên cơ sở thực hiện
những thay đổi căn bản trong cấu trúc tài chính hiện tại của doanh nghiệp, nhằm
giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, tạo ra “trạng thái tài chính” tốt
hơn.
Phát biểu tại cuộc
họp bàn giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mới diễn ra tại Hà Nội,
Ths. Hồng Vân nhấn mạnh, qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các DNNN đang
bộc lộ rõ những yếu kém về cạnh tranh trên thị trường. Những yếu kém đó thể
hiện ở việc không có hoặc thương hiệu chưa đủ mạnh, chất lượng sản phẩm hàng
hóa và dịch vụ không ổn định, chi phí đầu vào cao làm giảm hiệu quả hoạt động.
Thậm chí, nhiều
DNNN phải đối mặt với sự suy giảm hoạt động của chính mình, có nguy cơ bị phá
sản. Những yếu kém này một mặt xuất phát từ những hạn chế về năng lực quản trị
điều hành doanh nghiệp, thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nên
thiếu khả năng thích ứng với sự thay đổi liên tục của môi trường kinh doanh.
Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp đều trong tình trạng mất cân đối về cơ cấu
tài chính do có năng lực tài chính yếu, luôn thiếu vốn tài trợ cho phát triển
kinh doanh, thiếu ngân quỹ phục vụ cho việc thanh toán các khoản nợ, khó khăn
trong việc tiếp cận nguồn vốn từ bên ngoài...
Tuy nhiên, Ths.
Hồng Vân cũng cho rằng, những tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu cũng tạo
cơ hội cho các doanh nghiệp có dịp nhìn lại mình một cách thấu đáo hơn, chuẩn
xác hơn. Từ việc “bắt bệnh” chính xác, sẽ có thể có “thuốc” phù hợp.
Chìa khóa chung cho
doanh nghiệp
Cần phải nói rằng,
để tái cấu trúc tài chính hiệu quả, doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng có
thể sử dụng nhiều giải pháp khác nhau, tùy thuộc vào tình hình tài chính cũng
như cơ cấu nguồn vốn hiện tại, tùy thuộc vào điều kiện, đặc điểm kinh doanh của
doanh nghiệp và những yếu tố tác động từ môi trường kinh tế. Song theo Ths.
Hồng Vân, dù là doanh nghiệp nào thì cũng cần tập trung vào 6 giải pháp chung.
Thứ nhất là rà soát
lại tất cả nhu cầu vốn thực sự, các khoản chi phí cần thiết nhằm loại bỏ những
dòng vốn đầu tư vào những hoạt động không hiệu quả. Rà soát lại các đối tác tái
cấp vốn để cắt giảm những khoản vay đắt đỏ cũng như cần tìm kiếm những nguồn
cung vốn dài hạn, có thể cùng chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp.
Thứ hai, phải đánh
giá lại các hoạt động, sắp xếp lại quy trình sản xuất kinh doanh, điều chỉnh
quy mô sản xuất phù hợp, lựa chọn trọng tâm đầu tư.
Thứ ba, phải giải
quyết dứt điểm các khoản nợ phải thu tồn đọng trong quá khứ. Các khoản nợ tồn
đọng có ảnh hưởng rất lớn đến luồng tiền của DNNN.
Dù hoạt động của DN
có tốt đến đâu nhưng nếu không thu được nợ cũng có thể dẫn đến phá sản. Việc xử
lý các khoản nợ phải thu khó đòi cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá
trình tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp. Cần thiết lập đầy đủ cho các khoản
dự phòng về nợ phải thu khó đòi. Nếu là nợ phải thu đã mất khả năng thu hồi thì
cần mạnh dạn đưa ra để thấy rõ thực trạng nợ và chọn phương án xử lý phù hợp
như giảm nợ, đổi nợ lấy tài sản, bán nợ...
Thứ tư, phải nâng
cao hiệu quả đồng vốn bằng cách tăng tốc độ quay vòng số vốn hiện có, khai thác
tối đa lợi nhuận để tái đầu tư. Cùng với đó, DN phải chủ động tìm kiếm và hợp
tác với các cổ đông chiến lược, đặc biệt là các cổ đông nước ngoài để được hỗ
trợ mạnh mẽ hơn về thị trường, về nguồn lực tài chính, về nhân lực, công
nghệ...
Hai giải pháp cuối
cùng là khai thác nguồn vốn bên ngoài từ nhiều kênh khác nhau và cơ cấu lại
hoạt động, bán đi những ngành kinh doanh phụ hoạt động kém hiệu quả kèm theo
tài sản của nó để tập trung vốn cho các ngành kinh doanh hiệu quả hoặc để thanh
toán cho những khoản nợ đến hạn.
Theo GTVT