Ngày 17-10, tại TP.HCM, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao ban xuất khẩu (XK) quý 3-2013, bàn giải pháp thúc đẩy XK các tháng cuối năm 2013 và năm 2014.
Tăng trưởng tích cực
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch XK 3 quý đầu năm tăng trưởng 15,5% so với cùng kì, đây là kết quả tích cực, giúp XK tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Tăng trưởng XK đạt được ở hầu hết các mặt hàng XK chủ lực.
Tính đến hết qúy 3 đã có 19 nhóm hàng có kim ngạch XK đạt trên 1 tỉ USD. Trong đó có 11 nhóm hàng có kim ngạch XK đạt trên 2 tỉ USD.
Tuy nhiên, kết quả XK cũng cho thấy một số khó khăn đối với hoạt động XK nhóm hàng nông, thủy sản trong năm nay. Một số mặt hàng XK chủ lực có dấu hiệu chững lại do khó khăn về thị trường, sản xuất và giá XK. Trong khi đó những khó khăn của tình hình kinh tế đặc biệt là cung vượt cầu của một số mặt hàng khiến cho giá XK tiếp tục có xu hướng giảm làm giảm kinh ngạch của một số mặt hàng như cao su, gạo..
Trong bối cảnh XK của nhóm nông sản, thủy sản và nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm thì XK của nhóm hàng công nghiệp chế biến đóng góp vai trò quan trọng và sự tăng trưởng kim ngạch XK. Kim ngạch XK nhóm hàng này đã tăng trưởng 26,8% so với cùng kì, chiếm 70% tổng kim ngạch XK trong đó điện thoại di động tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch XK cao nhất với trên 15 tỉ USD, tăng gần 80% so với cùng kì năm 2012.
Hoạt động xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước cũng đã bắt đầu khôi phục và có xu hướng tăng dần. Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch XK có khối doanh nghiệp này đã tăng 3,5% so với cùng kì năm 2012 (9 tháng đầu năm 2012, kim ngạch XK của khối doanh nghiệp trong nước đã giảm 0,6% so với cùng kì năm 2011). Trong khi đó, DK của khối doanh nghiệp FDI tiếp tục đóng góp phần lớn vào tăng trưởng xuất khẩu với tỉ trọng chiếm 61% trong tổng kim ngạch XK của cả nước.
Điều đáng chú ý là trong 9 tháng đầu năm 2013, các doanh nghiệp cũng đã tận dụng được các cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế song phương và đa phương để phát triển xuất khẩu hàng hóa.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng kim ngach xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi trong 8 tháng đầu năm 2013 ước đạt gần 16 tỉ USD, tăng hơn 60% so với cùng kì năm 2013. Trong đó, C/O mẫu D đạt kim ngạch cao nhất với gần 4 tỉ USD, tăng 81%, tiếp theo là C/O mẫu AK đạt 3,7 tỉ USD, tăng 67%, C/O mẫu AJ đạt 2,82 tỉ USD tăng 43%, C/O mẫu E đạt 2,8 tỉ USD tăng 45%.
Hết quý 3-2013, XK ước đạt khoảng 76,5% kế hoạch năm. Dự kiến đến hết năm 2013, nếu mỗi tháng kim ngạch XK đạt khoảng 11,5 tỉ USD thì XK cả năm sẽ đạt khoảng 131 tỉ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2012. Cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 4%.
Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, kim ngạch XK trong năm 2014 dự kiến sẽ đạt khoảng 144 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2013. Bộ Công Thương dự báo, năm 2014 sẽ nhập siêu khoảng 5%.
Đây là thách thức lớn đòi hỏi sự nỗ lực của các Bộ, ngành, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.
Nhiều giải pháp
Để đẩy mạnh hoạt động XK trong năm 2014, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp nhằm khắc phục tình trạng đình đốn sản xuất của doanh nghiệp như thực hiện các chính sách miễn giảm thuế, phí... hỗ trợ và kích thích tiêu dùng nội địa, thực hiện chính sách thu hút các nguồn vốn trong nước đưa vào sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó tập trung giải quyết các vấn đề về vốn và lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất, XK. Đáp ứng vốn cho doanh nghiệp XK nông sản, thủy sản trong năm 2014 trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, ngành hàng. Mở rộng định mức vay và giãn thời hạn trả nợ vay ngân hàng cho các doanh nghiệp sản xuất, XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến. Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản có lượng hàng hóa lớn như gạo, thủy sản, cà phê và nghiên cứu xây dựng chính sách tạm trữ để ổn định giá, chủ động nguồn hàng cho XK.
Nhằm tăng cường hỗ trợ các hoạt động hỗ trợ các hoạt động XK, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cần tăng cường vai trò kiểm soát chất chất lượng hàng hóa XK của các cơ quan nhà nước để nâng cao uy tín các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam, tránh tình trạng cảnh báo về việc không đáp ứng quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của nước sở tại.
Bên cạnh đó, tăng cường kinh phí thực hiện các chương trình XTTM năm 2014 theo hướng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi, tăng cường và tiếp tục đổi mới các hoạt động XTTM, có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất XK chủ lực có lợi thế có thị trường và có khả năng cạnh tranh. Phối hợp các Hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh công tác phổ biến tuyên truyền hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường mới đồng thời tận dụng triệt để ưu đãi thông qua các FTA, tận dụng tốt các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan ngày càng sâu hơn của các đối tác để đẩy mạnh XK và nâng cao hiệu quả XK hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã kí FTA...
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tổ chức hiệu quả, đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường đặc biệt là các thị trường trọng điểm, kịp thời kịp thời nắm bắt các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lí nhập khẩu kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa XK của Việt Nam để kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lí nhà nước và doanh nghiệp, hiệp hội tạo điều kiện chủ động, phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh.
Theo Báo Hải Quan