Với giá cà phê giảm mạnh như hiện nay, khiến người dân hoang mang, lo lắng. Cả vùng cà phê Tây Nguyên bao trùm một bầu không khí u ám.
Giá xuống thấp không ngờ
Tây Nguyên là vùng trồng cà phê trọng điểm với khoảng 500.000ha, tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Đăk Lăk và Lâm Đồng. Hiện toàn bộ diện tích cà phê này đều ổn định trong vùng sinh thái thuận lợi, sản lượng ước đạt gần 1 triệu tấn cà phê nhân chất lượng cao đảm bảo tiêu chuẩn XK, chiếm 90% sản lượng cà phê của cả nước.
Đăk Lăk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất cả nước cũng như khu vực Tây Nguyên. Theo báo cáo mới nhất của Sở NN-PTNT Đăk Lăk, tỉnh hiện có khoảng 202.500 ha cây cà phê, trong đó diện tích trồng mới khoảng 3.000 ha, diện tích đang cho thu hoạch là 192.000ha, năng suất ước đạt 22,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt 432.000 tấn nhân.
Thường lệ thì mùa thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên bắt đầu vào tháng 10 và thời điểm hiện tại đã thu hoạch được khoảng 3 - 5% diện tích. Tại huyện Cư M'gar, với diện tích trên 34.000 ha cà phê kinh doanh đang trong giai đoạn chín rải rác (mật độ từ 30 - 40%); một số hộ dân tại các xã Ea Tul, thị trấn Quảng Phú, Ea Pôk cũng đang bắt đầu thu hái.
Hay huyện Buôn Đôn, nhiều diện tích cà phê của ở các xã Cuôr Knia, Ea Bar, Ea Nuôl, Tân Hòa, Krông Na cũng đang bắt đầu chín. Song điều đáng buồn là, khi nông dân bước vào niên vụ thu hoạch mới cũng là lúc giá cà phê trong nước giảm mạnh, cụ thể, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giao dịch từ 34 – 35 triệu đồng/tấn, so với niên vụ trước giảm khoảng 8 triệu đồng/tấn.
Ông Lê Hữu Nam, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk cho biết: "Niên vụ cà phê năm nay đúng là một nỗi buồn lớn đối với người dân chúng tôi. Năm trước giá còn tạm được, chứ năm nay giảm mạnh quá, chỉ còn khoảng 35 ngàn đồng/kg, đôi khi còn bị người thu mua ép giá thấp hơn, nên không đủ tiền trả nhân công thu hoạch, tiền tưới tắm, chăm bón.
Nếu giá lên 39 - 40 triệu đồng/tấn thì gia đình còn có chút dư dả, có điều kiện đầu tư cho vụ mùa năm sau. Cứ đà này thì nông dân chúng tôi không biết có nên trồng cà phê nữa hay không".
Đành tích trữ chờ
Quả là vùng cà phê Tây Nguyên đang bị thiệt hại kép. Bởi, ngoài việc sản lượng cà phê niên vụ này bị giảm tới 15% do thời tiết hạn hán, cà phê già cỗi..., nay giá lại giảm mạnh và đang có chiều hướng giảm tiếp. Để đối phó với thực trang này, người dân không có cách lựa chọn nào khác là thu hoạch xong không bán ngay mà phải cất trữ, hy vọng tới đây giá lên.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, xã Ea Ninh, huyện Cư Kuin tâm sự: "Nhà tôi có 7 sào cà phê đang trong giai đoạn thu hoạch. Năm nay ngoài việc năng suất, sản lượng giảm thì giá cả cũng xuống quá. Do thiếu tiền để trả công thu hái nên tôi bán bớt vài tạ thôi, còn lại cất trữ tại nhà chờ giá lên mới bán".
Cũng cùng suy nghĩ như bà Nguyệt, ông Trần Đức Lê, xã Hòa Đông, huyện Krông Păc cho biết: "Nếu như giá cà phê thấp mãi như thời điểm hiện tại thì nông dân chúng tôi căng lắm. Thu hoạch xong gia đình tôi có khoảng 4 tấn, đành đóng bao tạm cất đi, chờ giá nhích lên".
Theo các chuyên gia, giá cà phê thời gian qua đã giảm và có thể tiếp tục giảm nữa nên rất khó xác định mức giá thấp nhất. Bởi vậy, việc tích trữ chờ giá lên của người dân Tây Nguyên khó ai dám chắc tới đây sẽ thắng hay thua.
Theo Nông nghiệp Việt Nam