Giá cà phê trên các thị trường tiếp tục dao động dữ dội. Nhiều dự báo cho rằng sắp tới thế giới thiếu hụt cà phê. Giá cao, nước ta bán ra mạnh. “Được mùa được giá” là một hiện tượng kỹ thuật thị trường, hoàn toàn có thể giải thích được chứ không từ trên trời rơi xuống.
Nắng hạn vẫn làm nóng thị trường cà phê
Giá cà phê trên sàn kỳ hạn arabica Ice New York có lúc đã tăng lên 219 cts/lb (xu/cân Anh) hay chừng 4.828 đô la/tấn, là mức cao nhất tính từ 26 tháng nay. Giá sàn robusta London có lúc cũng chạm mức 2.199 đô la/tấn. Các sàn kỳ hạn tiếp tục dao động dữ dội.
Báo cáo về mùa vụ phát hành đầu tuần này của Volcafe, một công ty kinh doanh cà phê lâu đời và uy tín thế giới đóng tại Thụy Sĩ, cảnh báo rằng thế giới sẽ thiếu hụt cà phê không chỉ cho mùa vụ tới 2014/15 mà đến tận 2015/16. Niên vụ cà phê thế giới hàng năm được tính từ 1-10 năm trước đến 30-9 năm sau.
Công ty này cho rằng do hạn hán nặng nề trong ba tháng đầu năm 2014, sản lượng arabica năm nay của Brazil ước sẽ giảm 6,2 triệu bao, còn 28,4 triệu bao (60 kg x bao); robusta khá hơn, tăng 1 triệu bao lên 17,1 triệu bao. Như vậy, chỉ trong vòng mấy tháng, Volcafe đã hạ mức dự báo sản lượng cà phê của Brazil, từ 60 triệu bao vào tháng 11-2013, xuống 50,7 triệu cuối tháng 1-2014 và nay 45,5 triệu bao. Tuy nhiên, con số này vẫn lớn hơn ước lượng của Ủy hội Cà phê quốc gia Brazil (CNC) đưa ra trước đây chỉ từ 40,1 đến 43,3 triệu bao.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần khuya hôm qua 25-4, sàn kỳ hạn robusta Ice Liffe chốt mức 2.150 đô la Mỹ/tấn, tăng 14 đô la, trong khi sàn arabica New York lên 207 cts/lb, tăng tương đương với 65 đô la/tấn so với cuối tuần trước.
Giá tăng, bán mạnh
Thị trường cà phê nội địa phóng lên lại, có lúc đạt mức 41.300 đồng, để rồi cuối tuần quanh mức 41.000 đồng, tăng 500 đồng/kg so với 40.500 đồng tuần trước. “Chờ đợi lên lại mức này đến hụt hơi. Thôi tôi bán thôi!”, một chị tại Pleiku, Gia Lai giữ hàng bấy lâu nay đã quyết định bán ra.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 4-2014, nước ta xuất khẩu được 111.606 tấn cà phê. Lũy kế xuất khẩu 3 tháng rưỡi đầu năm nay đạt 713.278 tấn, tương đương với 121% tức 591.323 tấn so với cùng kỳ năm 2013.
Tuy nhiên, ước báo của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho rằng xuất khẩu cà phê tháng 4-2014 của Việt Nam có thể đạt mức 220.000 tấn, nâng tổng lượng xuất khẩu bốn tháng đầu năm này lên 822.400 tấn, xấp xỉ với con số của Hải quan. Như vậy, theo TCTK, trong 7 tháng đầu vụ, Việt Nam đã xuất 1.099.500 tấn, cao hơn mức 980.000 tấn của cùng kỳ năm ngoái.
Thời cơ của cà phê chất lượng cao
Dư luận thị trường như vậy đã xác nhận rằng hạn hán làm giảm sản lượng arabica của Brazil trong niên vụ tới. Nắng nóng, thiếu nước đã hạn chế quá trình kết trái cà phê dẫn đến chất lượng kém. Thị trường săn đuổi hàng arabica đạt chất lượng càng lúc càng hiếm, cũng đồng thời tạo điều kiện cho các hãng rang xay tìm mua hàng robusta chất lượng cao như hàng cực sạch, với tạp chất, đen vỡ, que cành… ở tỉ lệ tối thiểu hay hàng chế biến ướt.
Động tác này của thị trường được thể hiện trên mức cách biệt (arbitrage) hay độ vênh giữa hai sàn kỳ hạn arabica và robusta. Khi mức cách biệt càng xa, đó là cơ hội cho robusta vì arabica quá mắc; khi độ vênh giữa hai sàn co lại, bấy giờ arabica rẻ, rang xay ắt sẽ chọn mua arabica để thay cho robusta vì thực ra, arabica mới chính là loại cà phê quyết định mùi vị, độ ngon của ly cà phê còn robusta thường được dùng để phối trộn hay để làm cà phê hòa tan.
Mới cuối năm ngoái, khi Brazil chưa bị hạn hán hoành hành và thị trường vẫn tin sản lượng arabica nước này tăng bình thường, mức chênh lệch giữa arabica và robusta của hai sàn kỳ hạn có lúc đã xuống dưới 600 đô la/tấn (chừng 28 cts/lb). Tuy chưa phải là điểm thấp nhất, mức chênh lệch này làm chuyển hướng mua của các nhà rang xay sang arabica. Chính vì thế, nhiều tháng liền, xuất khẩu robusta trong năm 2013 nước ta có chậm lại.
Phải nói rằng từ năm 2000 trở lại đây, mức chênh lệch giữa hai loại cà phê có lúc đạt quanh mức rất cao 4.100 đô la/tấn. Ở những lúc có độ vênh cao, nông dân hưởng cảnh “được mùa được giá”. Hiện nay, mức chênh lệch giữa arabica và robusta ở mức 2.350 đô la/tấn (chừng 107 cts/lb). Đây là mức lý tưởng để các hãng rang xay mua robusta thay cho arabica vì vẫn mắc.
Nói cho dễ hiểu, nếu như giá robusta ở mức không đổi là 2.000 đô la/tấn, nhà rang xay phải mua arabica ở mức 6.100 đô la/tấn khi mức chênh lệch này là 4.100 đô la, và 2.600 đô la khi arabica rẻ; vẫn dựa trên thí dụ này, hiện họ phải trả 4.350 đô la/tấn, khá mắc so với robusta, nên sẵn sàng mua robusta loại tốt, đặc biệt loại có thể thay thế cho arabica.
Đã có hợp đồng xuất khẩu loại 1 chế biến ướt bán đến mức cộng 400 đô la/tấn trên giá kỳ hạn Ice Liffe, cao hơn đến 420 đô la/tấn so với loại chuẩn. Loại 1 chuẩn đang được chào bán trừ 20 đô la/tấn FOB dưới giá kỳ hạn robusta London.
Đây chính là thời điểm thuận lợi cho cà phê robusta sản xuất theo phương pháp lên men chế biến ướt và các loại cà phê sạch.
Theo TBKTSG Online