|
Gần đây liên tiếp xuất hiện tình trạng một số đối tượng lợi dụng sản phẩm
thực phẩm, đồ uống bị lỗi, thậm chí nhét các “vật thể lạ” vào sản phẩm rồi đem
ép doanh nghiệp phải “hỗ trợ” hàng tỷ đồng…
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã làm cho biết bao nhiêu doanh nghiệp phải
khốn đốn, đứng trước nguy cơ phá sản. Nguy hiểm hơn, thời gian gần đây liên
tiếp xuất hiện tình trạng nhiều sản phẩm về thực phẩm, đồ uống của doanh nghiệp
Việt đã bị nhiều đối tượng khác nhau khi gặp sản phẩm bị lỗi, hỏng, hàng hóa
không rõ nguồn gốc và thậm chí nhét các “vật thể lạ” vào sản phẩm rồi đem ép
doanh nghiệp phải bồi thường “hỗ trợ” hàng tỷ đồng hoặc tung tin thất thiệt làm
mất uy tín của doanh nghiệp. Đến nay, những vấn đề này không chỉ là những vấn
nạn đe dọa đến quyền lợi của nhà sản xuất mà dường như trở thành nỗi đau của
những sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Khóc dở, mếu dở
Theo đánh giá của giới chuyên gia thì các dòng sản phẩm đồ uống như sữa và nước
đóng chai, bia chai và lon dễ bị ảnh hưởng nhất vì những hành vi trên. Trong đó
các nhãn hiệu lớn như Trà xanh không độ, Dr Thanh, sữa Vinamilk, nước mắm Phú
Quốc… thường xuyên gặp phải tình trạng này.
Luật sư Phan Vũ Tuấn, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh cho rằng: Sự xuất hiện của
hàng giả, hàng nhái đã dẫn đến một số hiểu lầm lệch lạc về hiện trạng hoạt động
sản xuất- kinh doanh của nhà sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của
doanh nghiệp. Tồi tệ hơn, một số cá nhân, tổ chức đã vô tình hay cố ý thu mua
các sản phẩm kém chất lượng nêu trên từ các cơ sở không rõ nguồn gốc, sau đó
thực hiện hành vi trục lợi doanh nghiệp bằng các hình thức nhũng nhiễu, mang
tính chất tống tiền.
Theo luật sư Tuấn, các doanh nghiệp khi gặp phải những trường hợp này luôn
trong tình trạng “dở khóc, dở cười” bởi các đối tượng thường hay hù dọa bằng
cách nếu không “hỗ trợ” thì sẽ tung thông tin qua hệ thống truyền thông. Ở đây
chưa biết thực hư ra sao nhưng việc tung tin này có thể dẫn đến cả hệ thống sản
xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị tê liệt.
Đã có nhiều đối tượng lấy việc bắt lỗi các doanh nghiệp làm cơ hội kiếm tiền
bằng việc thực hiện việc gom nhặt những sản phẩm lỗi của nhà sản xuất để làm
phương tiện đe dọa, tống tiền doanh nghiệp. Tháng 6/2009, một khách hàng mua
bia chai nhãn hiệu Tiger chỉ còn 1/3 dung lượng mặc dù chưa khui nắp. Người này
sau đó đã liên lạc với nơi sản xuất là công ty TNHH nhà máy bia Việt Nam nhưng
nhất định không chuyển chai bia cho Tiger để tiến hành kiểm nghiệm và yêu cầu
công ty phải bồi thường 2 chỉ vàng 9999.
Cách đây không lâu, một Công ty CP sữa ở Hà Nội đã bị một khách hàng yêu cầu
bồi thường với số tiền lên tới 52 triệu đồng cho 03 hộp sữa bị phồng. Mặc dù
công ty đã tìm nhiều cách để liên lạc với khách hàng nhằm giải thích và xin đổi
lại số sữa trên nhưng vị khách hàng này vẫn một mực không đồng ý!
Đặc biệt nghiêm trọng và gần đây nhất là việc xảy ra với Công ty Tân Hiệp Phát.
Hai cá nhân Lê Văn Viện, Trần Văn Dũng đã sử dụng danh nghĩa của Công ty Thái
Lân để thực hiện hầu hết các hành vi vi phạm pháp luật như: tống tiền, uy hiếp,
đe dọa, làm giả giấy tờ, mạo danh doanh nghiệp, xuất khẩu hàng hoá trái phép và
cung cấp thông tin sai lệch cho báo chí hòng đạt được mục đích cưỡng đoạt tài
sản của Tân Hiệp Phát.
Trong đó, theo các biên bản giữa ông Dũng và Viện là đại diện cho Công ty Thái
Lân cùng làm việc với đại diện phía Tân Hiệp Phát thì phía Công ty Thái Lân có
nhập lô hàng trà thảo mộc Dr Thanh “từ nhiều nhà phân phối khác nhau” để xuất
đi Campuchia và bán lẻ cho các đại lý tại TP.Hồ Chí Minh cùng một số địa phương
khác. Vụ việc nêu trên đã được ông Viện, ông Dũng thông báo cho phía Tân Hiệp
Phát từ nhiều tháng nay để “đòi tiền hỗ trợ thiệt hại”. Nếu phía Tân Hiệp Phát
không chấp nhận, họ sẽ cung cấp thông tin cho báo chí. Sau nhiều lần nhận được
phản hồi từ Tân Hiệp Phát từ chối yêu sách đòi tiền, ông Viện và Dũng đã đưa
thông tin thất thiệt nêu trên lên các phương tiện thông tin đại chúng. Tưởng
rằng sự việc đúng như chuyện ông Viện, ông Dũng đưa tin, đã có cơ quan truyền
thông vào cuộc và tung tin theo những lời lẽ của các đối tượng này. Hậu quả
thương hiệu quốc gia Dr Thanh bị “nhấn chìm” vào trong cơn lốc của dư luận.
Đó là hành vi tống tiền doanh nghiệp?
Thực tế, tình trạng làm hàng giả hàng nhái, tung tin thất thiệt chỉ là do các
cá nhân, tổ chức nhỏ lẻ đã gây không ít khó khăn cho việc sản xuất kinh doanh
cho doanh nghiệp. Điển hình là việc Công ty Thái Lân đã không chứng minh được
nguồn gốc của những chai trà Dr Thanh nêu trên có xuất xứ từ đâu, Công ty Thái
Lân không hề đưa ra được bất cứ một tờ hoá đơn nào chứng minh nguồn gốc lô hàng,
mua tại đại lý nào mà chỉ nêu lý do đã bị hỏng lô hàng trị giá hơn 2,3 tỉ đồng
và nhất quyết đòi phía Tân Hiệp Phát “hỗ trợ” số tiền 1,15 tỉ đồng mà không đưa
ra một bằng chứng nào để chứng minh cho sự thiệt hại đó.
Tuy nhiên, thái độ "xin hỗ trợ" hoặc "đòi bồi thường" của
ông Viện và ông Dũng như đã nêu trên đã dẫn đến một hậu quả khôn lường cho Tân
Hiệp Phát, nhãn hàng trà Dr Thanh đang bị cuốn vào cơn lốc kỳ thị của người
tiêu dùng khi những thông tin chưa được kiểm chứng một cách cẩn trọng và rõ
ràng nhưng đã bị “tung” lên mặt báo. Cho đến nay, mặc dù chưa có bằng chứng
vững chắc để xác định "thiệt hại" của các ông Viện và Dũng, nhưng uy
tín của Tân Hiệp Phát cùng nhãn sản phẩm trà Dr Thanh đã bị “hạ bệ” một cách
thảm hại trên thị trường nước uống nội địa mà không ít doanh nghiệp nước ngoài
đang “lăm le” thôn tính. Chính những điều này đã đi ngược với chủ trương của
Chính phủ về việc thúc đẩy thương hiệu Việt nhưng với vấn nạn hàng giả, hàng
nhái và tung những thông tin thất thiệt như hiện tại sẽ làm cho các thương hiệu
này chết ngay chính trên sân nhà.
Theo phân tích của Luật sư Phan Vũ Tuấn thì những vụ sản phẩm của Tân Hiệp Phát
“bị tố” hư hỏng chỉ mang tính đơn lẻ một vài sản phẩm. Qua sự việc này có thể
nhận thấy đằng sau hành vi tống tiền của ông Viện và ông Dũng là một âm mưu phá
hoại có tổ chức. Mà theo đó, sự việc này đã tiếp tay cho các hoạt động cạnh
tranh không lành mạnh, có nhiều điều khuất tất đang cho thấy một âm mưu phá
hoại doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm có tổ chức. Luật sư Tuấn cho rằng:
Hành động của ông Viện và Dũng đã đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm tại Điều
135-BLHS về tội cưỡng đoạt tài sản. Đồng thời có “hành vi đe dọa sẽ dùng vũ
lực” và có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác.
Trên thực tế, với những thông tin đang tràn ngập trên mạng internet như trên,
các khách hàng của Tân Hiệp Phát từ hệ thống các nhà phân phối, đến các siêu
thị bán lẻ đã ngưng đặt hàng loại sản phẩm này; các đối tác đầu tư của Tân Hiệp
Phát liên tục liên lạc đặt ra các câu hỏi thể hiện sự nghi ngờ việc kinh doanh
của công ty. Hàng nghìn người lao động trong công ty đang hoang mang, lo lắng
về công việc của mình. Hệ quả là sản xuất, kinh doanh của Tân Hiệp Phát bị tổn
thất rất lớn. Bên cạnh đó, hành vi này đã phủ nhận những nỗ lực và kết quả thực
hiện chính sách khuyến khích “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” của Nhà nước,
đồng thời hành vi này đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho hoạt động kinh
doanh hợp pháp và chân chính của Tân Hiệp Phát.
Khi nói về điều này, đại diện của Tân Hiệp Phát khẳng định: Với truyền thống 17
năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nước giải khát các loại, sản phẩm được
sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại của nước ngoài, nên đã trở thành
sản phẩm không chỉ giữ nguyên tính chất thiên nhiên mà còn kháng khuẩn, đảm bảo
vệ sinh an toàn thực phẩm, có lợi cho sức khỏe cộng đồng… vì thế rất được đông
đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Đồng thời, đây là một thương hiệu nổi tiếng trên
thị trường nước giải khát tại Việt Nam và đạt được giải thưởng thương hiệu quốc
gia. Tân Hiệp Phát đã giữ vững được vị trí này và đưa thương hiệu Việt ra nước
ngoài với tiêu chí không chỉ chất lượng đạt tiêu chuẩn Việt Nam mà còn đạt các
chuẩn quốc tế. Nhưng chính thành công của Tân Hiệp Phát đã vô tình trở thành
tiền đề cho các mục tiêu công kích, phá hoại của không ít tổ chức, cá nhân có ý
đồ xấu, đồng thời xuất hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ các đối tượng
hoạt động trong cùng lĩnh vực.
Theo Công
Luận
|