“Quy mô doanh nghiệp dịch vụ logistics nhỏ, sức cạnh tranh yếu, thiếu các giải pháp trọn gói, các dịch vụ gia tăng cho chuỗi cung ứng của chủ hàng, chi phí logistics tăng cao… đẩy giá thành hàng hóa XNK Việt Nam tăng cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”. Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận – Kho vận (VIFFAS) đã thừa nhận thực trạng trên tại hội thảo “Gắn kết xuất nhập khẩu với dịch vụ logistics: Giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh” được tổ chức vào sáng ngày 30-11-2011 tại TP.HCM.
Chưa đáp ứng được nhu cầu
Ông Đinh Văn Thập, GĐ điều hành Tổng Công ty may Nhà Bè cho rằng dịch vụ logistics hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức là người đại diện cho các nhà vận chuyển thông báo cho doanh nghiệp XNK về tình hình vận chuyển của hàng hóa từ cảng đi đến cảng đến, thay mặt người vận chuyển phát hành lệnh giao hàng cho doanh nghiệp XNK sau khi hàng cập cảng và đại diện các hãng tàu thu các loại phí. Các doanh nghiệp Logistics chưa đóng góp nhiều vào quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, TGĐ Tập đoàn Intimex cho rằng doanh nghiệp XNK hiện nay gặp không ít rủi ro khi thuê phải đơn vị vận tải không chuyên nghiệp. Hiện tượng ăn cắp, ăn trộm trong quá trình vận chuyển thường xuyên xảy ra. Đó là chưa kể đến những rủi ro khác có thể gặp trên suốt đường vận chuyển như xe bị quá tải trọng cho phép lưu thông, kẹt xe… Điều này làm chậm thời gian giao hàng, ảnh hưởng đến chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Cùng với đó, hệ thống kho bãi chúng ta còn yếu, đặc biệt là kho ngoại quan. Ông Nam cho biết: “Các công ty nước ngoài rất quan tâm đến việc đầu tư vào các kho ngoại quan để họ đưa hàng vào dự trữ, khi cần là xuất hoặc nhập khẩu ngay được. Trong khi đó kho ngoại quan của chúng ta quá thiếu và yếu. Nhiều hàng hóa của Việt Nam phải tập kết ở kho ngoại quan của Singapore”. Điều này không chỉ khiến các doanh nghiệp gặp khó mà nhà nước cũng thất thu một khoản rất lớn.
Ông Lê Duy Hiệp, Phó Chủ tịch VIFFAS cho rằng nguyên nhân khiến dịch vụ logistics Việt Nam chưa phát triển hết tiềm năng của mình một phần do cac doanh nghiệp XNK vẫn còn tập quán mua CIF, bán FOB. Tuy nhiên ông Thập cho biết “Hiện nay chưa có đơn vị nào cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam có thể giúp chúng tôi thu xếp việc giao nhận nguyên phụ liệu từ nhà sản xuất đến nhà máy của chúng tôi với chi phí cạnh tranh so với chi phí mà các nhà cung cấp chào bán với giá CIF nếu chúng tôi mua với giá FOB. Do đó việc các doanh nghiệp XNK Việt Nam mua CIF, bán FOB cũng là điều dễ hiểu”.
Gánh nặng chi phí
Cùng với việc chưa đáp ứng được nhu cầu của các chủ hàng XNK, trong thời gian qua một vấn đề khiến cho các chủ hàng rất bức xúc chính là việc các hãng tàu liên tục tăng phụ phí và “đẻ” ra thêm nhiều loại phụ phí mới.
Ông Đỗ Hà Nam cho biết hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu đang phải chịu sức ép chi phí từ các hãng tàu rất nặng, có những phí rất vô lý. Doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu nhiều loại phí khác nhau từ các hãng tàu đưa ra như phụ phí xăng dầu (EBS), phụ phí đảm bảo container (EMS), phí truyền dữ liệu, phí chuyển vỏ rỗng, phí chứng từ (D/O). Thậm chí cả phí tại cảng đến cũng bắt doanh nghiệp phải chịu như phí ách tắc tại các cảng đến. Họ áp đặt các loại phí một cách vô tội vạ nhưng chúng ta không có một biện pháp nào ngăn chặn.
Ông Thập cho rằng doanh nghiệp logistics trong nước chưa chủ động được khâu vận chuyển hàng hải, còn phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài nên doanh nghiệp logistics chưa thật sự gắn bó với doanh nghiệp sản xuất trong nước trong việc đấu tranh với các hãng tàu về áp dụng chi phí của họ cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.
Thậm chí không đứng ra bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước mà các đơn vị logistics làm đại lý cho hãng tàu vận tải còn lợi dụng điều này để bắt chẹt doanh nghiệp thu thêm các phí khác hoặc tăng thêm phí. Chẳng hạn như với phí CFS có nơi thu 16 USD/CBM, nơi thì thu 21USD/CBM; phí THC nơi thì 80USD nơi thì 96 USD/container 20feet. Phí vệ sinh container nơi thì 5USD nơi thì 10USD/cont. So với năm 2010, mức thu các loại phí của năm 2011 tăng 15-20%.
Theo nhiều chủ hàng khác, việc để các hãng tàu chèn ép các loại phụ phí như trên chỉ ở Việt Nam mới có. Tuy vậy nhưng các chủ hàng cũng không có sự lựa chọn nào khác vì việc XNK hiện nay chủ yếu vẫn phải dựa vào các hãng tàu ngoại, các hãng tàu trong nước chỉ mới đáp ứng chưa đầy 20%.
THANH LONG