Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ lưu ý, chi phí tái cấu
trúc DNNN có thể phát sinh lớn, là gánh nặng với nền kinh tế, nhiều khả năng
tăng thêm nợ công.
Sáng nay (16/12), tại buổi Tọa đàm "Cơ cấu lại nền kinh
tế" do Báo Nhân Dân tổ chức, với sự góp mặt của các lãnh đạo Bộ, ngành và
đông đảo các chuyên gia kinh tế đầu ngành, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình
Huệ đã nêu ra những giải pháp chủ yếu nhằm tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước
(DNNN), mà trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Thua lỗ kéo dài tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất cân đối tài chính
Thẳng thắn đề cập đến những yếu kém và bất cập của khu vực
DNNN, Bộ trưởng đánh giá, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của các doanh
nghiệp này còn yếu mặc dù có nhiều lợi thế về nguồn lực.
Ông dẫn ví dụ, để tạo ra 1 đồng doanh thu năm 2009, DNNN phải
sử dụng tới 2,2 đồng vốn, trong khi đó DN ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng và
DN FDI là 1,3 đồng - so mức trung bình của toàn bộ các DN Việt Nam là 1,5 đồng.
Năm 2010, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các tập
đoàn kinh tế, tổng công ty mới chỉ đạt 16,5%. Tính trong 10 năm qua, Bộ trưởng
Huệ cho biết, tỷ suất lợi nhuận trên tổng nguồn vốn của khu vực DNNN chưa năm
nào vượt quá 6%, trong khi các DN FDI luôn duy trì ở trên mức trên dưới 10%.
Bộ trưởng cũng cảnh báo, thực trạng tài chính tại một số tập
đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN rất yếu kém, thua lỗ kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ
rủi ro mất cân đối tài chính.
Trong những nguyên nhân khách quan, Bộ trưởng phân tích, đó
là do sự chậm chạp trong nhận thức về đổi mới; những hạn chế về lựa chọn, xây
dựng, chiến lược, mô hình, cơ chế chính sách cho phát triển DN nói chung và
DNNN nói riêng.
"Mổ xẻ" căn nguyên chủ quan, ông nói, là do nhiều
tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư vào những ngành, lĩnh vực tiềm
ẩn nhiều rủi ro, phụ thuộc nhiều vào vốn vay hoặc chiếm dụng; tình trạng độc
quyền hoặc thống lĩnh thị trường trong một số lĩnh vực làm hạn chế động lực
cạnh tranh và phát triển.
Cụ thể, Tổng công ty Thép Việt Nam chiếm 35% thị phần trong
nước, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam chiếm trên 50%, Tổng công ty
xăng dầu chiếm trên 60%, Tập đoàn Điện lực sản xuất và cung ứng tới 80% nhu cầu
tiêu thụ điện toàn xã hội. Trong khi đó, Tập đoàn công nghiệp Than cũng chiếm
đến 98% thị phần cả nước.
Tái cấu trúc DNNN là nhiệm vụ khó khăn nhất để tái cấu trúc
nền kinh tế
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận, việc tái cấu trúc DNNN
được xác định là khó khăn nhất cho dù đó là DN ngân hàng hay phi ngân hàng.
Bởi, việc nhận thức đầy đủ và thống nhất hành động của cả hệ
thống chính trị đối với tái cấu trúc nền kinh tế không phải dễ dàng. Bên cạnh
đó, để giải quyết, sắp xếp việc làm và lao động dôi dư cũng là một thách thức
không nhỏ.
Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý, xét về mặt kinh tế, chi phí cho
tái cấu trúc DNNN bao gồm các khoản nợ phải thu khó đòi, khoản lỗ, chi giải
quyết việc làm người lao động, cấp vốn cho các định chế tài chính trung gian có
thể phát sinh lớn, ước hàng chục tỉ đồng. Đây sẽ là gánh nặng đối với nền kinh
tế, nhiều khả năng làm tăng thêm nợ công nếu không có phương án xử lý tốt.
Đề cập đến quan điểm của chương trình tái cấu trúc lần này,
Bộ trưởng nhấn mạnh, tái cấu trúc không phải là hạn chế, làm giảm vai trò mà
phải làm cho DNNN mạnh hơn, thực sự trở thành nòng cốt của nền kinh tế nhà
nước.
5 nhóm giải pháp tái cấu
trúc DNNN
Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nêu ra 5 nhóm giải
pháp tái cấu trúc DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Một là, sớm hoàn thiện, ban hành tiêu chí phân loại DNNN theo
ngành nghề, lĩnh vực. Thực hiện sắp xếp các DNNN hiện có thành các nhóm DN và
có giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm gồm có, nhóm 100% vốn nhà nước,
nhóm có trên 75% vốn thuộc sở hữu nhà nước, nhóm có từ 65-75% vốn thuộc sở hữu
nhà nước và nhóm nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối.
Hai là, thực hiện nhất quán, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN theo
hướng giảm tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp. Có cơ chế thu hút mạnh hơn các
nhà đầu tư chiến lược lớn trong và ngoài nước, có giải pháp đồng bộ phát triển
thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán và thị trường mua bán
nợ.
Ba là, tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc từng doanh nghiệp, tập
đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; đổi mới nâng cao năng lực, hiệu lực và
hiệu quả doanh nghiệp. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, trước hết phải điều
chỉnh, xây dựng mô hình chiến lược phát triển cơ cấu lại vốn, phù hợp với từng
tập đoàn, tổng công ty nhà nước, chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành.
Bốn là, đổi mới, tăng cường quản lý giám sát nhà nước đối với
DNNN, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Năm là, sắp xếp, tái cấu trúc căn bản các công ty nông, lâm
nghiệp.
Bộ trưởng cho biết, trong năm nay phải xây dựng xong Đề án
tái cấu trúc DNNN. Do DNNN đã bộc lộ nhiều sự bất cập, yếu kém nên đã đến thời
điểm phải khẩn trương, tái cấu trúc toàn diện để thích ứng với những điều kiện
hoàn cảnh trong giai đoạn mới.
Đây là nhiệm vụ cần phải có một quá trình, khôg thể chu quan
nóng vội nhưng cũng không thể chậm trễ - Bộ trưởng Vương Đình Huệ kết luận.
Theo INFOTV