Lạm phát đã hạ nhiệt, trong khoảng 5 tháng gần đây về lại mức
của các năm ổn định. Nhưng cho đến lúc này, lãi suất chưa có dấu hiệu “bám
càng” xuống theo.
“Tôi nghĩ lãi suất đụng đến vấn đề khác trong năm 2012 là
thanh khoản”, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa
nhìn nhận. Theo ông, toàn bộ mấu chốt để tháo gỡ những rào cản cho tăng trưởng
trong năm nay, và thậm chí là nhiều năm nữa, đều nằm ở vấn đề lãi suất.
Nhưng không giải quyết được thanh khoản thì không hạ được lãi
suất, và kéo theo đó là không tăng được các thị trường tài sản, thì cổ phần hóa
doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu ngân hàng… khó mà xử lý trong năm nay, ông Nghĩa
lưu ý.
Ở góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, vấn đề thanh khoản của
hệ thống ngân hàng hiện nay có từ nhiều hệ lụy. Việc tín dụng luôn tăng nhanh
hơn tổng phương tiện thanh toán đã làm tăng áp lực lên thanh khoản của hệ thống;
hay huy động ngắn hạn cho vay dài hạn; nợ xấu gia tăng dẫn tới khó thu hồi để
cho vay mới…
Nhưng ở một góc độ người trong cuộc, một thành viên Hội đồng
Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho biết thêm: “Năm rồi nguồn vốn tốt,
nhưng có cho vay không là chuyện khác”.
Trong bối cảnh thị trường tài sản nói chung ảm đạm, niềm tin
chưa được cải thiện…, nhiều định chế tài chính hiện nay đều muốn giữ lại thanh
khoản cho mình. “Sức khỏe của ngân hàng liên quan đến sức khỏe doanh nghiệp.
Chúng tôi đang khỏe thế này, nhưng chết lúc nào không biết, nên phải rất thận
trọng”, vị nọ nói.
Với TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh
tế và chính sách (VEPR), cách hành xử nêu trên mang tính phổ biến trong hệ thống
ngân hàng hiện nay. Nên hệ quả là vốn lưu thông chậm lại trong khi nguồn cung từ
Ngân hàng Nhà nước không nhiều đã “đè nặng” lên khả năng giảm lãi suất.
Ở góc nhìn rộng ra toàn hệ thống tín dụng, ông Nghĩa cho biết,
các ngân hàng đều có kế hoạch lãi suất 2012 chí ít nửa đầu năm vẫn cao.
Muốn tăng thanh khoản phải nới chính sách tiền tệ, điều này lại
trái với quan điểm kiểm soát lạm phát trong năm nay. Ở thế “đi mắc núi, ở lại mắc
sông”, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia có quan điểm riêng, với cách thức xử
lý phải tùy theo tình hình thực tế và qua nhiều bước.
Theo ông Nghĩa, biện pháp số một, mang tính cấp bạch nhất hiện
nay là bơm tiền để giải quyết thanh khoản cho ngân hàng gặp khó khăn lớn. “Cấp
bách, ngắn hạn là như vậy”, ông nhấn mạnh.
Một giải pháp khác, theo chuyên gia này là ban hành chính sách
tăng dự trữ bắt buộc để điều tiết vốn ngân hàng “lớn” sang ngân hàng “bé”. Bởi
vì, “các ngân hàng không có lòng tin với nhau thì ngân hàng trung ương phải đứng
ra, tăng dự trữ bắt buộc như là cách thức môi giới tiền tệ giữa các ngân hàng”,
ông giải thích.
Một giải pháp khác được ông Nghĩa nêu lên từ kiến nghị của một
số ngân hàng. Theo ông, hiện một số ngân hàng đang nắm trong tay lượng vàng lớn,
đến khoảng 100 tấn, nhưng không có cơ chế nào để biến thành tiền.
“Họ đề nghị cho một số ngân hàng hiện có vàng được xuất khẩu
vàng tài khoản, chỉ cần một tỷ lệ nhỏ trong đó là được lượng lớn tiền rồi. Khối
lượng tiền này có thể vào khoảng 5-7 tỷ USD, giải quyết được thanh khoản tạm thời”,
ông Nghĩa nói.
Cũng trong lập luận của ông Nghĩa, khi thanh khoản ổn định mới
có thể hạ lãi suất hoặc bỏ trần lãi suất huy động. “Chứ còn vào thời điểm này đặt
vấn đề như thế thì họ cho rằng chưa vững chắc, thậm chí đẩy thanh khoản đến chỗ
khó khăn hơn”, ông thông tin thêm
Về trung và dài hạn, Phó chủ tịch Nghĩa lưu ý cần phải tiếp tục
xử lý nợ xấu mới giải quyết được vấn đề thanh khoản. Nhưng, ông cũng hình dung
rằng, để giải quyết thanh khoản ngay quý 1/2012 là vấn đề khó khăn.
Theo VnEconomy