Kế hoạch gồm 2 phần nhằm duy trì ổn định các quỹ tiền tệ, hạn
chế thiệt hại với nhà đầu tư trong trường hợp khủng hoảng nổ ra.
Nhà chức trách Mỹ đang hoàn thành đề xuất chống đỡ thị trường
tiền tệ 2,7 nghìn tỷ USD của nước này. Đề xuất ra đời 3 năm sau khi định chế
tài chính Lehman Brothers gây khủng hoảng đe dọa tài sản hàng triệu nhà đầu tư
và buộc chính phủ Mỹ phải can thiệp.
Theo WSJ, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) trong những tuần tới sẽ
công bố kế hoạch gồm hai phần để ổn định các quỹ tiền tệ, hiện đang đầu tư vào
nợ ngắn hạn và được thiết kế an toàn và thuận tiện cho các nhà đầu tư. Ít nhất
3 trong 5 thành viên của SEC phải chấp thuận kế hoạch này thì mới đưa ra lấy ý
kiến công khai.
Mục đích của SEC là giảm tối thiểu thiệt hại đối với cổ đông
trong trường hợp khủng hoảng tài chính xảy ra. Các nhà đầu tư trong nhiều tháng
qua đã lo lắng việc Hy Lạp vỡ nợ có thế ảnh hưởng đến các quỹ ở thị trường tiền
tệ Mỹ. Những tháng gần đây, các quỹ này đã giảm đầu tư vào các ngân hàng châu
Âu, đặc biệt là những ngân hàng Pháp vì lo ngại tình hình tài chính.
Tuy nhiên, lãnh đạo các quỹ này cho rằng các quy định có thể
giảm lợi nhuận của hàng triệu nhà đầu tư, ngăn cản họ rút tiền về khi khủng
hoảng cũng như giảm niềm tin vào thị trường.
Các quỹ tiền tệ là nguồn tín dụng quan trọng của doanh
nghiệp. Giới phê bình cho rằng các quy định chặt chẽ hơn về vốn và tính thanh
khoản sẽ làm giảm khả năng cho vay doanh nghiệp của các quỹ.
Đề xuất, dự kiến vấp phải phản đối gay gắt từ các tập đoàn
tài chính và gây căng thẳng trong nội bộ SEC, sẽ tác động tới cả các nhà quản
lý quỹ và giới đầu tư. Các doanh nghiệp sẽ phải giành riêng phần vốn dự trữ bằng
cách sử dụng 1 trong 3 phương pháp mới. Các nhà đầu tư muốn bán tất cả cổ phần
của mình cùng 1 lúc sẽ chỉ nhận ngay được 95% số tiền của mình, 5% còn lại sẽ
chỉ được trả lại cho họ sau 30 ngày.
Theo INFOTV