|
Nhìn từ thực tế hoạt động công nghiệp và thương mại của tháng
1/2012, dễ dàng nhận thấy, việc khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị
trường trong nước có thể tạo động lực cho tăng trưởng cả năm.
Nhiều ngành năng lượng tăng trưởng đáng kể
Những khó khăn, thách thức đối với sản xuất công nghiệp trong
nước đã xuất hiện ngay từ đầu năm. Đó là: Sức mua giảm làm lượng dự trữ hàng
Tết tồn kho cao; tình hình thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng đến sản
xuất và đời sống nhân dân; người dân chi tiêu chặt chẽ hơn và chỉ tiêu dùng cho
những mặt hàng thiết yếu cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất công nghiệp. Do
số lượng ngày nghỉ Tết kéo dài hơn năm trước nên tốc độ tăng trưởng sản xuất
công nghiệp giảm 12,9% so với tháng 12/2011; giảm 2,4% so với cùng kỳ năm
trước. Nếu xét theo thời gian làm việc và thời gian nghỉ Tết thì tốc độ tăng
trưởng so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm trước (tháng 2/2011) giảm 0,8
điểm % (tốc độ tăng sản xuất công nghiệp so với tháng 2/2011 giảm 12,1%); chỉ số
sản xuất công nghiệp tăng 16%.
Đáng ghi nhận là một số ngành năng lượng tăng trưởng đáng kể.
Sản lượng điện sản xuất tháng 1 ước đạt 7,82 tỷ kWh. Nếu xét theo thời gian làm
việc của tháng Tết Nguyên đán (năm 2011 nghỉ 5 ngày trong khi năm 2012 nghỉ 10
ngày) thì sản lượng điện tăng 17,9% so với tháng 2/2011. Tổng sản lượng khai
thác quy dầu ước đạt 2,12 triệu tấn, trong đó: Sản lượng khai thác dầu thô ước
đạt 1,41 triệu tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ (do khai thác mỏ ở nước ngoài
tăng); sản lượng LPG ước đạt 65,2 nghìn tấn, tăng 26,3% so với cùng kỳ. So với
tháng 2/2011, sản lượng khai thác than sạch tăng 8,5%; tiêu thụ ước đạt 2,78
triệu tấn, giảm 10,6% so với cùng kỳ chủ yếu do lượng than xuất khẩu giảm 19,3%
và cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện giảm 9,9%. Trong tháng, hoạt động khai
thác khoáng sản tiếp tục ổn định nên duy trì được mức tăng trưởng cao so với
cùng kỳ: Quặng apatít tăng 9,1%; khai thác đồng tấm tăng 22,6%; khai thác quặng
sắt tăng 1,3 lần; khai thác vàng tăng 1,2 lần,...
Thị trường phân bón trong nước không nhiều biến động như
những năm trước do nhu cầu phân bón cho vụ đông - xuân tại khu vực phía Nam ổn
định và nhiều địa phương khu vực phía Bắc đã xuống giống. Mặt khác, nguồn cung
trong nước khá dồi dào do dự trữ các doanh nghiệp cao. Song, do chi phí đầu vào
tăng bởi giá khí LPG được điều chỉnh khi thuế nhập khẩu tăng từ 2,0% lên 5,0%,
sẽ ảnh hưởng đến giá phân bón trong nước năm 2012. Mới đây, Nhà máy Đạm Cà Mau
chính thức ra sản phẩm đầu tiên và việc chạy thử thành công dây chuyền sản xuất
của Nhà máy Đạm Ninh Bình (dự kiến vào cuối quý I) sẽ góp phần giảm lượng phân
đạm nhập khẩu, giảm nhập siêu.
Lĩnh vực công nghiệp nhẹ cũng có một số diễn biến đáng quan
tâm. Ngành Dệt may sản xuất nguyên liệu vải gần đây có xu hướng giảm dần do ảnh
hưởng của việc đơn hàng xuất khẩu giảm và tiêu dùng trong nước giảm. Hiện chỉ
có khoảng 10% doanh nghiệp lớn có đơn hàng đến quý III và IV (trong khi cùng kỳ
năm trước thì hầu hết các doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng đến quý II).
Những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến sản xuất trong tháng của ngành là giá nhân
công và chi phí đầu vào tăng do không chủ động được nguồn nguyên liệu; xuất
khẩu chịu tác động mạnh từ các chính sách tài chính của châu Âu và từ tiết kiệm
tiêu dùng tại Nhật Bản. Ngành Dệt may cần tìm các giải pháp để giảm dần sự phụ
thuộc vào các đơn hàng gia công, tập trung nâng cao tỷ lệ làm hàng xuất khẩu
theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế, sản
xuất và bán sản phẩm cho khách hàng), tăng sử dụng các nguyên phụ liệu tự nhiên
được sản xuất trong nước, đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo lao động nghề để
bổ sung nhân lực cho ngành. Ngành Da giày có khả quan hơn so với các ngành công
nghiệp nhẹ khác do đã bắt đầu vào vụ. Sản lượng sản xuất tiếp tục ổn định và
tăng trưởng: Sản phẩm giày dép, ủng giả da ước đạt 5,3 triệu đôi, tăng 10,1%;
do xu hướng thay đổi mặt hàng xuất khẩu nên sản phẩm giày thể thao giảm nhẹ
1,1%.
Xuất khẩu sang các thị trường chính đều giảm
Kim ngạch xuất khẩu tháng 1 ước đạt 6,5 tỷ USD, giảm 11% so
với cùng kỳ, trong đó: Khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 2,27 tỷ USD, giảm
33,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 4,23 tỷ USD, tăng 7,9%. So với
tháng 2/2011 (tháng có Tết Nguyên đán) thì tốc độ tăng là 31,8%, trong đó: Khu
vực 100% vốn trong nước tăng 8,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 49,2%.
Kim ngạch xuất khẩu giảm là do lượng xuất khẩu của đa số các mặt hàng giảm mạnh
nhưng giá xuất khẩu của các mặt hàng nông sản ổn định. Xuất khẩu của nhóm doanh
nghiệp FDI tập trung chủ yếu vào nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện nên
xuất khẩu của khối doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ.
Giá xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng trong nhóm hàng nông,
lâm, thủy sản tương đương cùng kỳ năm trước, chỉ có mặt hàng cao su giảm mạnh
do bạn hàng lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu. Giá xuất
khẩu hạt tiêu tăng khiến kim ngạch mặt hàng này tăng 50,6%...
Xét theo thị trường, so với cùng kỳ, xuất khẩu sang các thị
trường chính đều giảm: Xuất khẩu vào châu Á giảm 10,5% và chiếm tỷ trọng 49,3%;
châu Âu giảm 13,6% và chiếm tỷ trọng 21,1%; châu Mỹ giảm 10,8% và chiếm tỷ
trọng 21,7%; châu Phi giảm 14,8% và chiếm tỷ trọng 1,1%
Kim ngạch nhập khẩu tháng 1 ước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 18,7% so
với cùng kỳ, trong đó: Khu vực 100% vốn trong nước đạt 3,1 tỷ USD, giảm 35,3%,
khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,5 tỷ USD, tăng 5,2%. Nhập khẩu của khối
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng trong khi nhập khẩu của khối
doanh nghiệp trong nước giảm mạnh.
Xét theo nhóm hàng, so với cùng kỳ, kim ngạch của nhóm hàng
cần nhập khẩu ước đạt 5,53 tỷ USD, giảm 18,0%, trong đó, những mặt hàng chiếm
tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao giảm mạnh như: Xăng dầu các loại giảm 29,1%,
chất dẻo nguyên liệu giảm 16,0%, bông giảm 56,3%, nguyên phụ liệu dệt may, da
giày giảm 20,67%, sản phẩm từ thép giảm 25,7%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ
tùng giảm 29,7%, ô tô nguyên chiếc các loại (trừ xe dưới 9 chỗ) giảm 60%, linh
kiện, phụ tùng ôtô (trừ xe dưới 9 chỗ) giảm 34,6%. Tuy nhiên, bù lại, một số
mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng cao là: Lúa mỳ tăng gấp hơn 2 lần, thủy sản
tăng 55,3%, sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 27,1%, máy tính, điện tử và linh
kiện tăng 38,6%, điện thoại các loại và linh kiện (trừ điện thoại di động) tăng
35,3%, (gỗ và sản phẩm tăng 29,4%, khí đốt hóa lỏng tăng 6,2%; kim ngạch
nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 223 triệu USD, giảm 57,9%; kim ngạch
nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu ước đạt 588 triệu USD, giảm 3,3%, trong đó:
Nhóm hàng tiêu dùng các loại (trừ ô tô dưới 9 chỗ và điện thoại di động) tăng
11,0%, điện thoại di động giảm 10,2%, ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 52,9%,
xe máy giảm 70,8%. Như vậy, nhập siêu tháng 1 ước khoảng 100 triệu USD, bằng
1,54% kim ngạch xuất khẩu.
Thị trường trong nước bình yên
Thị trường Tết năm nay có điều khác biệt là hàng Việt Nam có
số lượng áp đảo và được người tiêu dùng ưa chuộng dù giá một số mặt hàng có cao
hơn năm trước. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trong tháng ước
đạt 191,1 nghìn tỷ đồng, tăng 22,0% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá thì chỉ
tăng 4,03%). Nếu xét theo thời gian của tháng Tết Nguyên đán thì tổng mức lưu
chuyển hàng hóa tăng 30,0% so với tháng 2/2011.
Do nguồn cung hàng hóa dồi dào đã ảnh hưởng tích cực đến giá
cả thị trường trong dịp Tết và những ngày sau Tết. Giá cả hàng hóa trên thị
trường cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước chỉ tăng 1,0% so với
tháng 12/2011. Đây là mức tăng thấp so với tháng đầu năm của các năm trước.
Tháng 2: Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm
Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu của ngành Công Thương
trong năm 2012, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà Bộ Công Thương
đặt ra là khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để
đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đẩy mạnh
sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng; chủ động đề
xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản
xuất, kinh doanh; theo dõi sát biến động thị trường thế giới để có biện pháp hỗ
trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu; thực hiện các chính sách hạn chế nhập
khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, góp phần kiềm chế nhập
siêu, ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó cần tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công
nghệ, tăng cường quản lý, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc,
thiết bị trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí, đặc biệt là sử dụng tiết
kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên nhằm tăng hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản
xuất, kinh doanh, góp phần giảm nhập siêu. Tập trung kiềm chế lạm phát, theo
dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để chủ động và linh
hoạt trong điều tiết cung - cầu và bình ổn thị trường sau Tết; tăng cường kiểm
tra, giám sát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng
cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới; kiểm tra, xử lý vi phạm vệ sinh
an toàn thực phẩm.
Mặt khác, việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu
nền kinh tế theo hướng tái đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; rà
soát, hoàn thiện quy hoạch các ngành, lĩnh vực; tập trung giám sát chặt chẽ
tiến độ các dự án đầu tư đang thực hiện; phối hợp với các cơ quan thông tin đại
chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo đồng thuận giữa
doanh nghiệp và nhân dân trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng,
Nhà nước về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã
hội... - đều là những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Công Thương chú trọng ngay từ
những tháng đầu năm 2012.
Theo BaoMoi
|