Cách đây bốn năm, Ấn Độ đã mất vị trí thị trường xuất khẩu hạt điều đứng đầu thế giới vào tay Việt Nam. Sau khi tự thiết lập được vị trí nhà xuất khẩu hạt điều đứng đầu thế giới, Việt Nam hiện đang để mắt đến thị trường này của Ấn Độ.
Việt Nam xuất khẩu khoảng 160.000 tấn hạt điều, trong đó hạt vỡ và miếng chiếm khoảng 25% và là nhà xuất khẩu hạt điều lớn nhất tới Mỹ.
Mặc dù, Ấn Độ đã nhập những khối lượng lớn hạt điều nguyên vỏ trong nhiều năm và những khối lượng ít hơn hạt điều đã bóc vỏ trong bốn năm qua, song trong năm tài chính này, lần đầu tiên Ấn Độ nhập khẩu hạt điều đã qua chế biến với khối lượng lớn.
Tổng thư ký Hội đồng xúc tiến xuất khẩu hạt điều của Ấn Độ (CEPCI) nói: “Trong hai năm qua chúng tôi đã nhập khối lượng hạt điều khá lớn. Năm nay dự kiến nhập khẩu nhiều hơn.”
Trong tám tháng đầu năm tài chính hiện nay, Ấn Độ đã nhập 3.245 tấn hạt điều, trị giá 53 crore rupee (1 crore = 10 triệu), với giá trung bình 163,38 rupee/kg. Phần lớn khối lượng hạt điều mà Ấn Độ nhập khẩu là từ Việt Nam. Trong tháng 11/2012, Ấn Độ nhập khẩu 298 tấn hạt điều, trị giá 5,82 crore rupee, với mức trung bình 195 rupee/kg. Giá hạt điều đã chế biến bán tại thị trường Ấn Độ là 480-500 rupee/kg. Trong năm 2011-2012, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 5.000 tấn hạt điều.
Ông Giridhar Prabhu, Giám đốc công ty xuất khẩu hạt điều Achal Cashews có trụ sở tại Mangalore nói: “Trong giai đoạn này, so với xuất khẩu thì khối lượng nhập khẩu của chúng tôi vẫn còn ít, song điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ của các hộ giao đình và các nhà sử dụng công nghiệp tại Ấn Độ đang ngày càng tăng. Các nhà chế biến mứt kẹo, kem, thực phẩm, nhà hàng… bắt đầu sử dụng hạt điều vỡ với khối lượng lớn.”
Ông cho biết thêm “chưa có thị trường nội địa về hạt điều vỡ tại Việt Nam và Mỹ không nhập hạt điều bị vỡ, do đó đang có nỗ lực xuất khẩu mặt hàng này tới Ấn Độ.”
Theo CEPCI, Ấn Độ sản xuất khoảng 650.000 tấn hạt điều còn nguyên vỏ và nhập khẩu 700.000 tấn để chế biến. Năm 2011-2012, Ấn Độ đã xuất khẩu 131.760 tấn hạt điều giá trị 4.390 crore rupee. Tiêu thụ trong nước ước tính 150.000 tấn, trị giá khoảng 5.000 crore rupee.
Theo Vinanet